MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ở TP HCM, ước tính mỗi ngày thải ra khoảng 2.000 tấn rác xây dựng, nhưng vẫn chưa có nhà máy xử lý loại rác này. Ảnh: Đ.A

Đầu tư nhà máy xử lý rác xây dựng, tại sao không?

Đông Anh LDO | 08/05/2018 14:16

Trong bối cảnh mật độ xây dựng tại TP.HCM tăng cao thì rác xây dựng (xà bần) cũng tăng nhanh về số lượng. Thống kê chưa đầy đủ từ Sở TN-MT TP.HCM: tổng lượng rác xây dựng phát sinh trên địa bàn TP khoảng trên dưới 2.000 tấn/ngày. Nhưng chỉ số ít được thu gom và xử lý; phần lớn còn lại thải bỏ ra môi trường hoặc được chuyển nhượng tự do trên thị trường mà không được kiểm soát...

Xử lý rác xây dựng - “cục xương” khó… xơi

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó GĐ Sở TN-MT TP.HCM cho biết: “Số ít rác xây dựng là các loại vật liệu có khả năng tái chế, làm vật liệu san lấp như: cát, bê tông, gạch, đá..., được các công trường sử dụng lại làm vật liệu san nền hoặc tự bán cho các đơn vị thu gom, để chuyển đến công trường khác có nhu cầu san lấp. Đối với một số các loại chất thải còn lại không làm vật liệu san lấp được như: thạch cao,… được vận chuyển về nhà máy xử lý của Cty TNHH công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh để xử lý. Số còn lại bị chủ đầu tư công trình, người dân, người thu gom không có ý thức đổ bừa bãi tại các bãi đất trống, vùng ven…”.

Theo ông Huỳnh Minh Nhựt - GĐ Cty TNHH MTV Môi trường Đô Thị (MTĐT) TP.HCM: “Ngoại trừ số lượng rác xây dựng do các chủ đầu tư có ký hợp đồng thu gom và xử lý với Cty khoảng 1.250 tấn/ngày, thì số còn lại được các chủ nguồn thải chuyển nhượng tự do trên thị trường hoặc thải bỏ, mà không thể kiểm soát được. Phổ biến nhất là hộ gia đình, chủ công trường thường thuê xe ba gác thu gom và đổ giúp rác xây dựng ra các khu vực vùng ven, bãi đất trống”. Rất nhiều doanh nghiệp (DN) chuyên về xử lý rác xây dựng vẫn cho rằng, xử lý rác xây dựng là “cục xương” khó xơi. Vì vậy, rất ít DN chịu bỏ vốn đầu tư vào xử lý rác xây dựng.v.v…

Thật vậy, do TP.HCM chưa có nhà máy xử lý chất thải xây dựng hiện đại, đáp ứng yêu cầu thu gom và xử lý lượng rác xây dựng hiện tại và trong tương lai. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải trong hoạt động chuyển giao chất thải, giá xử lý rác xây dựng đẩy lên cao, gây khó cho DN. Cty MTĐT là đơn vị được UBND TP giao trách nhiệm thu gom và xử lý rác xây dựng. Giá thành thu gom hợp lý, nhưng do Cty chưa có địa điểm tập trung để xây dựng nhà máy xử lý chất thải xây dựng theo đúng quy định tại Thông tư 08/2017 của Bộ Xây dựng, nên chỉ có thể thu gom với số lượng nhất định. Rác xây dựng sau khi được Cty thu gom được vận chuyển về các trạm trung chuyển của Cty tại trạm trung chuyển rác xây dựng ở quận 11 và Gò Vấp để phân loại tái chế. Lượng rác còn lại không có khả năng tái chế sẽ được chuyển tiếp đến công trường Đông Thạnh.

Thế nhưng, theo chỉ đạo của UBND TP, đến hết năm 2018, toàn bộ hoạt động xử lý chất thải tại khu vực công trường Đông Thạnh phải ngưng hoạt động. Nhà máy xử lý chất thải nguy hại phải dời về Khu liên hiệp xử lý chất thải Phước Hiệp, Củ Chi. Trong khi đó, Cty chưa được TP chấp thuận cho phép điều chỉnh quy hoạch, theo hướng tận dụng diện tích dôi dư giữa các ô chôn lấp rác tại bãi rác Phước Hiệp,  để xây dựng nhà máy xử lý rác xây dựng. Do đó,  việc nhận thu gom và xử lý rác xây dựng hiện tại đang gặp nhiều khó khăn.

Đầu tư nhà máy xử lý rác xây dựng đạt chuẩn, tại sao không?

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ: Bộ Xây dựng quy định tại Thông tư số 08/2017/TT-BXD ngày 16.5.2017, về công tác quản lý chất thải rắn xây dựng từ công đoạn phát sinh đến thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý. Hiện Sở TNMT  đang phối hợp Sở Xây dựng để tham mưu UBND TP tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động quản lý rác xây dựng trên. Trước mắt, để ngăn chặn và xử lý tình trạng rác xây dựng đổ bừa bãi tại hệ thống đường phố, bãi đất trống của TP, UBND TP.HCM đã phân cấp trách nhiệm quản lý rác nói chung và rác xây dựng nói riêng cho các quận - huyện. Trách nhiệm lãnh đạo các quận huyện phải đảm bảo chất lượng vệ sinh trên địa bàn, tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, do nguồn nhân lực, vật lực còn hạn chế, nên tình trạng xả rác bữa bãi trên địa bàn các quận -huyện vẫn còn phổ biến và công tác quản lý chưa hiệu quả.

Ông Huỳnh Minh Nhựt - GĐ Cty MTĐT-  cho biết thêm: “Từ năm 2005 đến nay, việc thu gom và xử lý rác xây dựng được  Cty chuyển sang hoạt động dưới hình thức xã hội hoá, do chủ nguồn thải chi trả chi phí xử lý. Cty đã không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ trong công tác thu gom, vận chuyển, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải xây dựng. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc hiện đại hoá công tác thu gom và xử lý rác xây dựng đáp ứng yêu cầu thực tế trong thời gian tới, Cty đã có văn bản trình UBND TP chấp thuận chủ trương quy hoạch vị trí xây dựng nhà máy xử lý chất thải xây dựng, tại Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp - Củ Chi, để làm cơ sở cho việc đầu tư xây dựng dự án nhà máy xử lý và tái chế chất thải xây dựng. Nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà máy này không sử dụng ngân sách, mà bằng nguồn vốn của Cty MTĐT”.

Việc xây dựng nhà máy xử lý rác xây dựng là cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động xây dựng, tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường.v.v... Mặt khác, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giúp DN chuyển giao chất thải, giá thành hợp lý. Tránh tình trạng như hiện nay, khả năng đáp ứng xử lý rác xây dựng thì ít; trong khi nhu cầu cần xử lý cao, dẫn đến DN hoạt động xây dựng bị ép chi trả chi phí chuyển giao xử lý cao, nên thuê người lén đổ bừa bãi ra môi trường, gây nhếch nhác bộ mặt đô thị của TP.HCM. Với trách nhiệm là đơn vị đầu tàu của TP.HCM trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng TP văn minh, sạch đẹp; Cty MTĐT hoàn toàn hội đủ tiềm năng về con người và tài chính, để đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác xây dựng hiện đại để phục vụ người dân TP.HCM.  

Ông Huỳnh Minh Nhựt - GĐ Cty MTĐT (bía trái), tại lễn bàn giao nhà tình nghĩa cho bà Nguyễn Thị Bảy ở Bến Tre, vào ngày 26.4 vừa qua. Ảnh: Tô Thương
Ngày 26.4.2018, tại ấp An Thạnh, xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, Cty MTĐT đã tiến hành bàn giao nhà tình nghĩa cho bà Nguyễn Thị Bảy, là người có công với cách mạng. Căn nhà có diện tích 40m2, với tổng kinh phí xây dựng là 80 triệu đồng, trong đó Cty MTĐT hỗ trợ 70 triệu đồng, phần còn lại do gia đình tự đóng góp. Ông Huỳnh Minh Nhựt - Bí thư Đảng ủy, GĐ Cty MTĐT- phát biểu: “Xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương là hoạt động thường niên của Cty. Đây là nghĩa cử của tập thể nhân viên và NLĐ trong Cty, nhằm giúp đỡ, hỗ trợ cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng và những hoàn cảnh khó khăn, có được một mái ấm. Cty sẽ tiếp tục đóng góp, xây dựng thêm nhiều nhà tình nghĩa, tình thương trong thời gian tới”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn