MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh khó kiểm soát nước phục vụ cho sản xuất. Ảnh: NHẬT HỒ

ĐBSCL: Đối mặt hạn mặn lịch sử ngay những ngày áp Tết

NHẬT HỒ LDO | 16/01/2020 14:34
Ngày 14.1, UBND tỉnh Bến Tre chính thức công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn. Các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang cũng đang đối phó với tình trạng mặn xâm nhập ngay những ngày áp Tết.

Đã có thiệt hại

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dự báo mặn sẽ xâm nhập sâu vào Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đúng thời kỳ triều cường và chuẩn bị đón năm mới. Tại vùng ven biển ÐBSCL, nguồn nước ngọt có nguy cơ bị thiếu hụt cao, xâm nhập mặn dự báo tại các cửa sông Cửu Long có khả năng cao ngay trong tháng 1, tháng 2.2020. Dự báo là vậy, nhưng hiện tại thiệt hại đã xảy ra tại nhiều nơi.

Tại Bến Tre, độ mặn sẽ tiếp tục tăng cao và xâm nhập sâu trong tháng 1.2020; dự báo độ mặn 4% có khả năng xâm nhập cách các cửa sông khoảng 53 đến 68km, độ mặn 1% hầu như bao trùm toàn tỉnh. Tỉnh tổ chức huy động mọi nguồn lực phục vụ hoạt động ứng phó xâm nhập mặn; triển khai ngay các công trình tạm để ngăn mặn, tăng cường tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Trong khi đó, tại Cà Mau, đến thời điểm này có hơn 16.500ha lúa - tôm bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn; hơn 24.000ha lúa mùa, lúa đông xuân bị ảnh hưởng do thiếu nước; hơn 20.000 hộ dân khó khăn về nguồn nước sinh hoạt; có 11 điểm xảy ra sự cố sụt lún do hạn hán gây ra.

Thới Bình là huyện chịu thiệt hại do hạn, mặn đầu tiên tại Cà Mau. Theo Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau hiện có hơn 10.700ha/18.600ha sản xuất lúa - tôm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn; trong đó, hơn 5.700ha bị thiệt hại hơn 70%.

Tại Sóc Trăng, diện tích lúa gieo sạ trễ tại huyện Long Phú trên 1.500ha đang thiếu nước, khó có khả năng phát triển, thiệt hại là điều chắc chắn.

Không thể lơ là

Cho đến nay, chỉ Bến Tre công bố tình huống khẩn cấp. Các tỉnh còn lại đều có kịch bản khi mặn xâm nhập sâu vào đất liền. Ông Huỳnh Ngọc Văn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Sóc Trăng - cho biết: “Do chủ động được tình huống, nên Sóc Trăng đã chuẩn bị các giải pháp thủy lợi với trên 120 tỉ đồng để phục vụ cho sản xuất. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài cần chuyển đổi sản xuất, hạn chế làm lúa vụ 3 tại vùng thường xuyên thiếu nước”.

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết: “Diện tích lúa thiệt hại là không thể khắc phục được. Chúng tôi ra sức bảo vệ những diện tích còn khả năng phát triển. Mặt khác, khi rơi vào hạn mặn, Cà Mau thường vị sạt lở đất nên tỉnh đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra ngay cả khi những ngày nghỉ Tết”.

Tại Bạc Liêu, dù thiệt hại chưa xảy ra, nhưng khả năng thiếu nước cục bộ tại một số tiểu vùng thuộc huyện Hồng Dân, Phước Long có thể xảy ra. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị các địa phương không được lơ là, chủ quan. Các huyện, ngành được phân công tổ chức theo dõi tình hình 24/24, ngay cả những ngày Tết.

Dự báo đến tháng 2.2020, tình trạng xâm nhập mặn sẽ diễn ra gay gắt. Nếu tình trạng này xảy ra sẽ có hàng trăm nghìn người dân ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Trong khi đó, nhiều tỉnh ĐBSCL vẫn còn sử dụng nước ngầm, trong đó, nhiều điểm giếng nước ngầm đã nhiễm mặn, không thể sử dụng được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn