MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân đồng bằng sông Cửu Long trữ nước ngọt để vượt qua thời kỳ hạn mặn. Ảnh: Trần Lưu

ĐBSCL: Gồng mình ứng phó với đợt cao điểm mới về hạn hán, ngập mặn

L.V LDO | 02/03/2020 12:27

Từ ngày 7-15.3.2020, đồng bằng sông Cửu Long bước vào xâm nhập mặn tăng cao theo kỳ triều cường giữa tháng 2 âm lịch. Cuối tháng 3.2020, xâm nhập mặn có thể vẫn ở mức cao. 

Theo Thứ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, đợt xâm nhập mặn từ ngày 7-15.3.2020 khả năng ở mức cao nhất từ đầu mùa khô, phạm vi ảnh hưởng của ranh mặn 4g/l. Cụ thể, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, phạm vi ảnh hưởng sâu nhất từ 100-110km, sâu hơn trung bình nhiều năm lớn nhất từ 25-32km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 3-5km…

Tại sông cửa Tiểu, cửa Đại, phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 60km, sâu hơn trung bình nhiều năm lớn nhất 22km, sâu hơn ngày 12.2/2020 khoảng 5 km.

Tại sông Hàm Luông, phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 78km, sâu hơn trung bình nhiều năm lớn nhất 35km, sâu hơn ngày 12.2.2020 khoảng 4km.

Tại sông Cổ Chiên, phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 70km, sâu hơn Trung bình nhiều năm lớn nhất 26 km, sâu hơn ngày 12.2.2020 khoảng 4km.

Tại sông Hậu (Cửa Định An, Trần Đề), phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 70km, sâu hơn trung bình nhiều năm lớn nhất 29km, sâu hơn ngày 12.2.2020 khoảng 5 km.

Tại sông Cái Lớn, phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 62-65km, sâu hơn trung bình nhiều năm lớn nhất khoảng 12km, sâu hơn ngày 12.2.2020 từ 4-7km.

Mặc dù 13/13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã lên kịch bản ứng phó với ngập mặn, nhưng hiện tại, tình trạng hạn mặn tại khu vực vẫn rất nghiêm trọng và diễn biến phức tạp.

Ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Triển khai kịch bản ứng phó với hạn mặn, thiếu nước sinh hoạt, tỉnh đã cho ứng tiền ngân sách thực hiện ngay những công trình cấp bách, khoan thêm giếng ngầm, kéo thêm đường ống ở những vùng không thể khai thác nước ngầm như huyện Trần Đề. Ngành điện kéo thêm đường dây hạ thế, nhất là phải xuống dây 3 pha để phục vụ nhà máy nước. Đào các giếng trữ nước, nạo vét các kênh thủy lợi để tăng cường trữ nước, tăng nguồn nước ngọt phục vụ nhân cho dân”.

Ông Lê Thanh Triều - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cho biết: “Cà Mau là tỉnh duy nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long không có nước ngọt bổ sung từ thượng nguồn sông Mê Kông. Do đó, sản xuất của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước ngọt mùa mưa. Đó cũng là lý do mỗi khi vào cao điểm mùa khô hạn, tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất và nước phục vụ sinh hoạt của người dân lại diễn ra, kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sản xuất, giao thương hàng hóa và đời sống dân sinh”.

Theo ông Lê ThanhTriều về lâu dài cần xây dựng hồ chứa nước ngọt ở khu vực Vườn quốc gia U Minh Hạ. Khi có hồ đủ lớn, Cà Mau sẽ có thêm nguồn nước đấu nối vào hệ thống nước nối mạng cung cấp cho dân sử dụng, vừa có thêm nguồn nước phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng vào mùa khô.

Tuy nhiên, “đợt xâm nhập mặn này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vùng canh tác cây ăn trái và nước sinh hoạt của người dân"- Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết và đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long tăng cường tiếp tục tăng cường tổ việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Tổ chức giám sát chặt chẽ độ mặn tại các cửa lấy nước, vận hành đóng các cửa cống và công trình thủy lợi khi độ mặn vượt mức cho phép, đảm bảo mặn không xâm nhập sâu vào nội đồng. Tranh thủ tích trữ nước ngọt trong thời gian mặn xuống thấp để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong thời gian xâm nhập mặn lên cao; chưa tổ chức xuống giống lúa vụ Hè Thu ở những vùng có khả năng ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Yêu cầu các địa phương thường xuyên báo cáo tình hình ảnh hưởng của xâm nhập mặn về bộ phận thường trực của Tổ công tác tiền phương phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổ công tác tiền phương) để kịp thời có giải pháp triển khai  hữu hiệu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn