MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh (đứng bên phải) phát biểu tại Hội thảo tham vấn về Quy hoạch vùng ĐBSCL. Ảnh: Thành Nhân

ĐBSCL: Hàng loạt kiến nghị về hạ tầng giao thông, sạt lở bờ sông, biển

Thành Nhân LDO | 27/11/2020 09:26
Nằm trong Hội nghị báo cáo và tham vấn về “Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức tại TP.Cần Thơ, đại diện lãnh đạo các tỉnh đã kiến nghị nhiều vấn đề...

Kiến nghị của tỉnh Long An, ông Nguyễn Văn Được - Bí Thư Tỉnh ủy Long An - cho rằng: Điểm nghẽn lớn ở ĐBSCL là giao thông. Do đó, đề nghị xem xét đưa vào đầu tư cơ sở hạ tầng về giao thông mang tính liên kết vùng.

Cụ thể, theo ông Được, các tuyến cao tốc từ TPHCM đi Cần Thơ; tuyến đường ven biển phía Đông của ĐBSCL,... có vai trò rất quan trọng mở ra hành lang mới ven biển để phát triển kinh tế vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, tuyến đường này vừa là chống biến đổi khí hậu, vừa cũng là có nhiệm vụ chiến lược quốc phòng.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết, vấn đề sạt lở ở ĐBSCL đang diễn ra hết sức phức tạp với tần suất ngày càng tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Tuy nhiên chưa được đề cập trong phương hướng quy hoạch, vì vậy cần nghiên cứu bổ sung vấn đề sạt lở vào định hướng bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu mang tính tổng thể, đồng bộ trên toàn vùng ĐBSCL. Tỉnh An Giang cũng kiến nghị xây dựng hệ thống hồ trữ ngọt lớn đặt ở An Giang hoặc Đồng Tháp để cung ứng nước tưới tiêu vừa cũng là điều hòa nguồn nước cho các tỉnh, thành ở hạ lưu ĐBSCL.

Ông Lê Quang Mạnh - Bí thư Thành ủy Cần Thơ - cho biết, điểm yếu nhất vẫn là chưa có sự liên kết giữa các địa phương; chưa có bản đồ quy hoạch chung cho toàn vùng để xây dựng các chương trình thu hút đầu tư.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với ĐBSCL có 3 vấn đề lớn nhất đã và đang triển khai như: Hạ tầng giao thông; nước; sạt lở bờ sông, bờ biển, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Trong đó, đối với hạ tầng giao thông, Trung ương đã bố trí vốn để làm toàn bộ đường từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ, còn Cần Thơ - Cà Mau thì trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ làm xong.

Riêng tuyến đường ven biển, không phải là tuyến giao thông đơn thuần mà nó phải trở thành một hành lang kinh tế thực thụ, đóng góp tăng trưởng và phát triển bền vững cho ĐBSCL. Thứ nhất tuyến đường này sẽ sắp xếp lại toàn bộ tuyến dân cư vùng ven biển. Đồng thời tuyến đường ven biển này sẽ mở ra một không gian phát triển kinh tế biển, khép kín toàn bộ vành đai ĐBSCL từ Tiền Giang phía bên bờ Đông, cho đến Kiên Giang phía bên bờ Tây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn