MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công ty TNHH Daiwa Việt Nam tại TP Đà Nẵng là một trong những đơn vị phải kiểm kê khí nhà kính. Ảnh: Daiwa Đà Nẵng

Doanh nghiệp cần hướng dẫn thêm về kiểm kê khí nhà kính

Thùy Trang LDO | 05/04/2024 09:09

Từ năm 2024, các cơ sở phát thải khí nhà kính tại Việt Nam phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định tại nghị định năm 2022 của Chính phủ nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Dự kiến, cả nước có khoảng 3.000 cơ sở sẽ phải thực hiện kiểm kê, báo cáo, trong đó, TP Đà Nẵng sẽ có 23 cơ sở.

Trách nhiệm kèm quyền lợi của doanh nghiệp

Ông Dương Chí Công - Chuyên gia tư vấn của Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ Việt Nam, đơn vị phối hợp với Sở Công Thương TP Đà Nẵng tập huấn cho các doanh nghiệp - nhấn mạnh, kết quả kiểm kê khí nhà kính trong năm 2024 sẽ là cơ sở bước đầu để Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước tính toán phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho từng ngành, tiểu ngành, cơ sở phát thải khí nhà kính lớn sau này. Các cơ sở, doanh nghiệp nếu không làm kỹ lưỡng và báo cáo thì sẽ chịu thiệt thòi.

“Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng và dự kiến năm 2026 sẽ có thị trường tín chỉ carbon trong nước thí điểm, năm 2028 sẽ vận hành chính thức. Các cơ sở có thể mua bán tín chỉ carbon trên thị trường này, kết nối với thị trường quốc tế từ năm 2030 (dựa trên hạn ngạch phát thải được phân bổ so với thực tế, hạn ngạch còn dư được quy đổi thành tín chỉ carbon và có thể bán).

Và thực tế, nhiều doanh nghiệp trong ngành Công Thương đang có những hạn chế trong việc xuất khẩu. Có doanh nghiệp phải mua tín chỉ carbon để đảm bảo chuẩn quy định khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Nhưng sau này, hạn ngạch sẽ ngày càng bị siết chặt để giảm phát thải khí nhà kính thì buộc doanh nghiệp cũng phải kiểm kê và có kế hoạch giảm phát thải thì mới cạnh tranh ở thị trường quốc tế được” - ông Công chia sẻ.

Việc kiểm kê khí nhà kính, doanh nghiệp có thể tự làm dựa trên các quy định, sau đó nộp báo cáo về cho UBND tỉnh/thành phố để lập hội đồng hoặc giao cho cơ quan chức năng thẩm định. Đây sẽ là dữ liệu đưa vào cơ sở quốc gia để phân bổ hạn ngạch.

Ông Công lưu ý, doanh nghiệp cần kiểm kê hết các nguồn phát thải để hạn ngạch phân bổ về ngay từ đầu sẽ sát với thực tế của đơn vị.

Doanh nghiệp cần được hướng dẫn nhiều hơn

Ông Nguyễn Văn Phu - Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam có nhà máy tại TP Đà Nẵng - cho biết, việc kiểm kê này sẽ không dễ dàng vì đây là lần đầu doanh nghiệp tiếp cận với những khái niệm và cách làm này.

“Doanh nghiệp phải tự tìm hiểu, tự làm do chưa có đơn vị nào có chức năng đánh giá nên khi làm, chúng tôi rất lo không biết đúng hay sai. Có những khái niệm mà với những người đã nghiên cứu cũng dễ gây nhầm lẫn thì với những doanh nghiệp lần đầu tiên làm sẽ không thể tránh khỏi sai sót. Công ty của chúng tôi là công ty con, thuộc tập đoàn tại Nhật Bản, đã làm theo tiêu chuẩn xanh của tập đoàn và nay tiếp tục làm theo tiêu chuẩn của Việt Nam mà lại hoàn toàn khác nên chúng tôi mong sẽ có nhiều hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể hơn nữa” - ông Phu chia sẻ.

Đại diện Công ty TNHH MTV Dệt vải Vinatex Quốc tế (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cho biết, đơn vị hiện đang nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp TP Đà Nẵng trong chương trình sử dụng hiệu quả tài nguyên trong doanh nghiệp.

Trong chương trình này có cả phần kiểm kê khí nhà kính, doanh nghiệp cung cấp các số liệu mà đơn vị tư vấn, các chuyên gia cần để họ làm báo cáo như một cách làm mẫu để doanh nghiệp học hỏi thêm, còn việc để doanh nghiệp phải tự làm dựa theo hướng dẫn thì chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian nghiên cứu.

Ông Dương Chí Công nhìn nhận, hiện nay, nhiều cơ sở, doanh nghiệp còn đang mập mờ về khái niệm khí nhà kính. Vì vậy, cơ quan quản lý Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với kiểm kê khí nhà kính để họ biết phải làm gì, quan tâm đến việc đó để thực hiện ngay từ bây giờ. Bởi, khi có hạng ngạch mà cơ sở không hoạt động theo như đã nói trên, quyền lợi của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, mất thêm chi phí.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng - cho biết, đơn vị cũng đang đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về kiểm kê phát thải khí nhà kính, có điều gì chưa rõ cần tìm hiểu có thể liên hệ Sở Công Thương hoặc các chuyên gia để được hỗ trợ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn