MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ước tính có tới cả vạn khối đất đá, phế thải xây dựng đã được đổ xuống sông Lô.

Doanh nghiệp đổ thải xuống sông Lô: Văn bản của huyện thành "bùa hộ mệnh"?

Phong Quang - Phùng Minh LDO | 29/10/2021 17:49
Tuyên Quang - Nhờ văn bản chấp thuận của Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, một doanh nghiệp đã ồ ạt đổ đất đá, phế thải xây dựng xuống sông Lô trong một thời gian dài với danh nghĩa "chống sạt lở".

Văn bản khó hiểu

Báo Lao Động có bài phản ánh "Tuyên Quang: Danh nghĩa "chống sạt lở", ồ ạt đổ thải xâm lấn sông Lô" về tình trạng hàng vạn khối đất đá, phế thải xây dựng đang được đổ thẳng xuống sông Lô đoạn qua xã Vân Sơn (Sơn Dương) trong thời gian dài với mục đích "chống sạt lở".

Theo tài liệu có được, ngày 25.6.2019, ông Phạm Văn Lương thời điểm đó là Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương (hiện là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Tuyên Quang) ký văn bản số 1377/UBND-GT đồng ý cho Công ty TNHH Tỉnh Đào đắp đất đá, chống sạt lở bờ sông Lô trên địa bàn xã Vân Sơn.

Văn bản của UBND huyện Sơn Dương cho phép doanh nghiệp đổ đất đá lấn ra bờ, lòng sông Lô để “chống sạt lở“. 

Điều khó hiểu ở chỗ, văn bản số 1377 cho phép doanh nghiệp đổ, đắp đất đá chống sạt lở bờ sông, một công việc có tính hệ trọng cấp bách nhưng lại không hề có phương án thực hiện đi kèm thể hiện diện tích đổ, khối lượng đất đá đổ và thời gian cho phép đổ.

Nhờ văn bản đó, trong suốt 2 năm qua, Công ty TNHH Tỉnh Đào đã công khai ồ ạt đổ đất đá, phế thải xây dựng xuống lòng sông Lô trên danh nghĩa "chống sạt lở" mà không vấp phải sự kiểm tra, xử lý từ các cơ quan chức năng.

Ghi nhận trực tiếp tại hiện trường là một khu vực đổ đất đá, phế thải xây dựng lấn ra lòng sông Lô với chiều rộng khoảng 40m, kéo dài gần 100m nằm sát đường giao thông. Ước tính cả vạn khối đất, đá thải đã được đổ xuống lòng sông.

Được biết, Công ty TNHH Tỉnh Đào là đơn vị đã và đang thi công nâng cấp, cải tạo tuyến đường giao thông DH.04 liên xã trên địa bàn với số lượng đất đá, phế thải xây dựng rất lớn phải bóc bỏ.

Chưa có hình thức xử lý

Được biết, khi có thông tin phản ánh về việc đổ đất đá xuống sông Lô trên địa bàn xã Vân Sơn, ngày 2.8.2021, đoàn công tác của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Tuyên Quang, trong đó trực tiếp ông Phạm Đình Tứ - Phó Giám đốc Sở phối hợp cùng Công an tỉnh, Sở NNPTNT và UBND huyện Sơn Dương đã xuống khu vực đổ thải để xác minh, đánh giá hiện trạng.

Tại đây, sau khi tìm hiểu, đánh giá hiện trạng khu vực đổ đất đá, đoàn công tác đã ra biên bản cuộc làm việc, thống nhất một số nội dung. Sau đó, ông Phạm Đình Tứ thay mặt Sở TNMT Tuyên Quang ký văn bản giao lại cho UBND huyện Sơn Dương tiếp tục xử lý vụ việc theo thẩm quyền.

Cả một bãi đổ thải rộng lớn với ngổn ngang đất đá, bêtông, rác lấn ra lòng sông Lô đoạn qua thôn Mãn Sơn, xã Vân Sơn (Sơn Dương). 

Ông Giang Tuấn Anh - Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, được biết, sau khi các ngành chức năng xuống làm việc, hiện tại huyện đã cho dừng việc đổ đất đá tại đây và giao Phòng Kinh tế hạ tầng của huyện kiểm tra, đề xuất hướng xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Giang Tuấn Anh thông tin thêm: "Giai đoạn trước, có văn bản cho phép đổ đất đá tại khu vực này, nhưng qua kiểm tra cho thấy việc thực hiện chưa đúng như chỉ đạo nên đã yêu cầu dừng".

Đến nay, đã 2 tháng trôi qua nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra được kết luận chính thức về vụ việc cũng như hướng xử lý.

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, về vị trí đổ đất đá chống sạt lở bờ sông như phản ánh Tổng cục không nhận được văn bản xin ý kiến của địa phương.

Ông Trần Quang Hoài thông tin thêm: "Sau khi nắm được thông tin vụ việc sẽ cho các đơn vị chức năng tìm hiểu xác minh".

Còn theo một vị lãnh đạo Vụ Quản lý đê điều - Tổng cục phòng, chống thiên tai, việc đổ đất đá, phế thải xây dựng xuống bờ, lòng sông Lô là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 7, Điều 7 Luật Đê điều.

Đồng thời, vị này cũng cho biết nếu liên quan đến chống sạt lở bờ sông, đê điều thì phải có đánh giá, giải pháp cũng như xác định cụ thể về vật liệu để xử lý. Đặc biệt, không được phép dùng chất thải, phế thải để xử lý sạt lở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn