MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những căn nhà dân trong rừng phòng hộ Bạc Liêu mong muốn sớm được di dời. Ảnh: Nhật Hồ

Đối mặt rủi ro khi mùa mưa bão, sạt lở đến

NHẬT HỒ LDO | 17/08/2020 10:50
Hàng ngàn hộ dân sống ven đê, trong rừng phòng hộ ven biển đối mặt với nhiều rủi ro khi mùa mưa bão đến gần. Tất cả đều có danh sách di dời vào nơi tái định cư. Tuy nhiên, nhiều lý do khác nhau, họ vẫn còn ở lại trong những ngôi nhà mà chỉ cần cơn gió giật cấp 7 là… tan hoang.

Thấy dân sống mà… thương

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu, toàn tỉnh có 1.399 hộ dân vi phạm hành lang đê biển (trong đó, 671 hộ sống trong hành lang phía biển và 728 hộ nằm phía đồng).

Chỉ có một số hộ được chính quyền cấp sổ hộ khẩu, tạm trú và được hỗ trợ thông qua chính sách nhận khoán đất rừng phòng hộ để phát triển kinh tế bằng hình thức nuôi tôm quảng canh; số đông còn lại thì tự cất chòi, làm nhà tạm để ở, chủ yếu sống dựa vào nguồn lợi từ rừng, biển như bắt tôm, cá, đào bới đất, kể cả việc… phá rừng.

Bà Lâm Thị Khiết, xã Vĩnh Hâu A trần tình: “Chúng tôi sống trong rừng thiếu thốn trăm bề, nhà cửa chủ yếu cất tạm bằng cây lá địa phương, mỗi năm cứ đến mùa mưa bão là nơm nớp nỗi lo phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất”.

Nhiều hộ dân ở ven rừng phòng hộ phường Nhà Mát, TP.Bạc Liêu, Bạc Liêu cũng gặp khó khăn không kém khi chỉ qua mấy trận mưa đầu mùa mà đã có hàng chục căn nhà bị sập ngã.

Phải thường xuyên đối mặt với tình trạng giông lốc, nước biển dâng, nên người dân sống trong rừng phòng hộ ngày đêm thấp thỏm lo âu, mong muốn lớn nhất của họ là sớm được di dời đến các khu tái định cư, có việc làm với thu nhập ổn định...

Ông Trần Văn Khải, Bí thư Đảng ủy Phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu cho biết: “Tất cả người dân sống ngoài đê biển đã được lên danh sách chờ bố trí vào khu tái định cư. Nói thật, thấy người dân sống trong điều kiện thiếu đủ thứ, lại đối mặt với nhiều hiểm nguy như vậy ai cũng thương”.

Tại Cà Mau, con số thống kê của Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn tỉnh này lên đến trên 3.000 hộ phải di dời vào nơi ở an toàn cho mùa mưa bão. Cà Mau cũng bố trí hàng loạt các khu tái định cư cho người dân vào ở một cách an toàn. Tuy nhiên, đối với dân nghèo ven biển, chỗ ở không quan trọng bằng chỗ làm, chỗ mưu sinh.

Định cư gắn với định canh

Bạc Liêu đã có đề án di dân ra khỏi rừng phòng hộ, người dân sống ngoài đê biển. Dự án đã triển khai giai đoạn 1 và đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 với mục đích di dời toàn bộ người dân ra khỏi rừng.

Nhiều địa phương đã tạo điều kiện cho người di cư bằng các biện pháp như đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn... Thế nhưng, chỉ có một số ít hộ chịu chuyển ngành nghề, còn lại đa phần là chấp nhận cuộc sống rủi may nhờ nguồn lợi từ biển.

Trong khi đó, tại các khu tái định cư của Cà Mau, nhà cửa bỏ hoang do người dân không vào ở. Đó là các khu tái định cư vàm Lung Ranh, Hương Mai, Kênh Tư… Hệ thống hạ tầng khu tái định cư chưa đồng bộ, trạm cấp nước sinh hoạt thường xuyên bị hư hỏng, môi trường thoát nước chưa được đảm bảo. Quan trọng nhất là thiếu công ăn việc làm nên nhiều người vào ở một thời gian rồi bỏ đi nơi khác.

Ông Dư Bé Ba - Chủ tịch UBND huyện U Minh - cho biết: “Dân đưa vô khu tái định cư đa số hộ nghèo. Thời gian qua, dù huyện nhiều lần kết hợp với các sở ngành đến tìm hiểu, hỗ trợ giải quyết việc làm, nguồn vốn nhưng chưa đem lại hiệu quả cao. Đời sống của người dân nhìn chung còn nhiều khó khăn”. 

Trước nghịch lý này, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị các ngành, địa phương rà soát lại các dự án tái định cư (bao gồm các dự án đã thực hiện, đang thực hiện và đề xuất mới), báo cáo đánh giá cụ thể đối với từng dự án, công trình, bao gồm: số hộ theo quy hoạch, số hộ đã bố trí, số hộ chưa được bố trí tái định cư; các hạng mục cần tiếp tục đầu tư (hoặc dừng thực hiện) để hoàn chỉnh dự án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn