MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đổi mới pháp luật về đất đai là một trong những sự kiện nổi bật ngành TNMT năm 2022. Ảnh: Phan Anh

Đổi mới pháp luật về đất đai và các sự kiện nổi bật ngành TNMT năm 2022

Nguyễn Hà LDO | 30/12/2022 16:39

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 3859/QĐ-BTNMT về việc Công bố các sự kiện ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2022. Trong đó có việc tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai với nhiều điểm mới đột phá, tạo động lực đưa nước ta phát triển có thu nhập cao.

Theo quyết định, các sự kiện nổi bật của ngành bao gồm:

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai với nhiều điểm mới đột phá, tạo động lực đưa nước ta phát triển có thu nhập cao.

Trong đó đã xác định 5 quan điểm và 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết từ nay đến 2025 và đến 2030, trọng tâm là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển mới.

2. Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Ngày 10.2.2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã đề ra 4 quan điểm mới là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của ngành địa chất và khoáng sản trong giai đoạn mới.

3. Dấu ấn 20 năm thành lập và phát triển, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định vị trí, vai trò, đóng góp to lớn trong sự phát triển bền vững đất nước.

Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẳng định được vị trí đặc biệt là một Bộ đa ngành quản lý nguồn lực đầu vào của nền kinh tế, có ảnh hưởng lớn đến quốc phòng, an ninh, gác cửa cho phát triển bền vững đất nước; tiếp cận các vấn đề toàn cầu như biến đối khí hậu, an ninh tài nguyên, an ninh sinh thái.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao Huân chương Lao động Hạng Nhất cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và cá nhân Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Ảnh: Khương Trung 

4. Thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.

Tại Hội nghị COP27, quốc tế đánh giá cao việc Việt Nam phê duyệt Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật, khẳng định có thể nâng tổng mức đóng góp về giảm phát thải lên mức 43,5%, tương đương với 403,7 triệu tấn CO2, vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường.

5. Hệ thống cảnh báo sớm phát huy hiệu quả trong giảm nhẹ thiên tai.

Việc chủ động cảnh báo, dự báo sớm đã giúp các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng tránh đã giảm thiệt hại ở mức thấp nhất do thiên tai, trong đó tác động cơn bão số 4 - cơn bão được xác định đạt cường độ siêu bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua trên khu vực Biển Đông.

6. Khung pháp lý, chính sách bảo vệ môi trường tiếp tục được hoàn thiện.

Triển khai thi hành Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050... Theo thẩm quyền, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện các quy định chuyên ngành công tác bảo vệ môi trường.

Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V được tổ chức, đã xác định mục tiêu thực thi mạnh mẽ và hiệu quả các chủ trương, chiến lược, chính sách lớn về bảo vệ môi trường. Ảnh: Khương Trung 

7. Hoàn thành nhiều quy hoạch, đề án, dự án trọng điểm quốc gia về tài nguyên nước.

Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27/12/2022, trong đó quy định toàn diện, tích hợp nội dung của các ngành khai thác, sử dụng nước phù hợp định hướng, quan điểm xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia.

8. Kết nối Cơ sở dữ liệu đất đai và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư 

Hệ thống đã được hoàn thành về cấu trúc, mô hình và nền tảng công nghệ thông tin để kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ cơ sở dữ liệu đất đai và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh.

9. Tham gia tích cực, hiệu quả vào các cơ chế hợp tác toàn cầu về đa dạng sinh học, phát triển bền vững.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (COP15), Việt Nam cùng các quốc gia thành viên đã thống nhất thông qua Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Kunming - Montreal định hướng công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên toàn cầu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn