MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tòa nhà ở Hoa Liên, Đài Loan sau động đất ngày 3.4. Ảnh: AP

Động đất dữ dội tại Đài Loan (Trung Quốc) có ảnh hưởng đến Việt Nam không?

HUYỀN TRANG LDO | 04/04/2024 17:05

Nhà nghiên cứu địa chấn nhận định, động đất tại Đài Loan (Trung Quốc) không gây ảnh hưởng đến Việt Nam.

Ngày 3.4, trận động đất mạnh 7,5 độ richter đã làm rung chuyển Đài Loan (Trung Quốc) khiến nhiều tòa nhà đổ sập, đường phố nứt toác; một số quốc gia lân cận đã ban bố cảnh báo sóng thần.

Tàn dư của trận động đất khiến nhiều người không khỏi băn khoăn về tác động dư chấn ảnh hưởng đến Việt Nam, đặc biệt là ở những khu vực giáp biên giới.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với với PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - Nhà nghiên cứu địa chấn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và sóng thần, Viện Vật lý địa cầu Việt Nam.

Thưa ông, trận động đất xảy một ngày trước tại Đài Loan (Trung Quốc) để lại hậu quả rất nặng nề. Qua nghiên cứu, ông đánh giá như thế nào về trận động đất này?

- Tôi đánh giá đây là một trận động đất có cường độ mạnh nhất trong 25 năm qua tại hòn đảo này, kể từ trận động đất Chi-Chi mạnh 7,6 độ richter đã cướp đi sinh mạng của gần 2.500 người vào tháng 9.1999.

Thông thường sau những trận động đất lớn có thể xảy ra dư chấn, vậy liệu trận động đất này này có ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam, thưa ông?

- Về mặt khoảng cách, trận động đất xảy ra tại Đài Loan (Trung Quốc) cách xa biên giới Việt Nam và không thể gây ra những ảnh hưởng lớn đến nước ta. Việt Nam chỉ bị ảnh hưởng theo dạng lan truyền chấn động từ xa bởi vì những thiệt hại vì động đất thường xảy ra ở những địa điểm gần tâm chấn nhất.

Những nước trong khu vực đang phải đối mặt với nguy cơ cao động đất, vậy theo ông nguy cơ động đất đối với Việt Nam như thế nào?

- Việt Nam có các đặc điểm về địa chất, địa chấn, kiến tạo không giống với ở Đài Loan (Trung Quốc). Cụ thể, Đài Loan (Trung Quốc) nằm trọn vẹn trên vành đai Thái Bình Dương, vành đai lửa Thái Bình Dương là một vết nứt trên vỏ rắn của Trái đất kéo dài hàng nghìn km. Nơi đây tụ tập rất nhiều chấn tâm, động đất và núi lửa, vì vậy Đài Loan (Trung Quốc) nằm trong vùng rất nguy hiểm.

Độ nguy hiểm động đất ở Việt Nam cũng có nhưng không ở mức độ cao như các quốc gia nằm thẳng trên vành đai lửa. Việt Nam ít nguy cơ đối mặt với những trận động đất mạnh giống như những trận động đất trên thế giới như Indonesia, Philippines hay Nhật Bản.

Động đất thường gây thiệt hại rất lớn, vậy liệu có thể dự báo trước thời điểm xảy ra để có phương án ứng phó hay không thưa ông?

- Về cơ bản, động đất không thể dự báo được trước thời điểm xảy ra. Tuy nhiên chúng ta có thể ngăn ngừa được những thiệt hại bằng cách có những sự chuẩn bị trước ở những vùng có khả năng xảy ra động đất.

Các cơ quan nghiên cứu và dự báo chỉ mới xác định được vùng rủi ro xảy ra động đất cao hơn và độ lớn cực đại, còn thời gian chính xác xảy ra động đất thì chưa thể xác định trước được.

Mọi nỗ lực hiện nay đều hướng về việc ứng phó và giảm thiểu ít nhất mức độ thiệt hại do động đất có thể gây ra như: thiết kế nhà cửa tuân thủ đúng tiêu chuẩn chống chịu động đất. Ngoài ra việc tuyên truyền về kết quả nghiên cứu, kiến thức ứng phó động đất phải được phổ biến rộng rãi với người dân,...

Vậy khu vực nào ở Việt Nam có nguy cơ cao xảy ra động đất thưa ông?

- Ở Việt Nam, động đất hoạt động mạnh nhất ở vùng Tây Bắc. Số liệu ghi nhận về lịch sử các trận động đất cho thấy có nhiều trận động đất rất lớn từng xảy ra tại Điện Biên với cường độ từ 5,3 đến 6,9 độ richter. Năm 1935 (6,9 độ richter tại lòng chảo Điện Biên); năm 1983 (6,7 độ richter tại thị trấn Tuần Giáo). Những trận động đất do thiên nhiên có thể gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản.

Vùng miền Trung cũng thường xuyên xảy ra động đất nhưng rung chấn rất nhỏ. Nguồn gốc của những trận này là động đất kích thích liên quan đến các hoạt động về thủy điện và hồ chứa. Động đất kích thích mặc dù xảy ra thường xuyên nhưng độ lớn rất nhỏ chỉ khoảng dưới 4 độ richter.

Trân trọng cảm ơn ông !

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn