MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh vệ tinh bão Doksuri ngày 25.7.2023. Ảnh: RAMMB/CIRA

Dự báo bão trên Biển Đông năm 2024 và xu thế thời tiết đáng chú ý

AN AN LDO | 13/03/2024 16:30

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu nhận định: Không khí lạnh từ nay đến hết tháng 3 hoạt động với tần suất thấp hơn và cường độ yếu hơn trung bình nhiều năm. Trong khi đó, ít khả năng xuất hiện bão trong 3 tháng tới.

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã đưa ra dự báo khí hậu giai đoạn từ nay đến tháng 5 năm 2024 trên cơ sở phân tích mô hình thống kê, dự báo của các Trung tâm khí hậu lớn trên thế giới và từ Tổng cục Khí tượng Thủy văn.

Nắng nóng đến sớm

Theo đó, về hoạt động ENSO, hiện tại, điều kiện khí quyển - đại dương phản ánh trạng thái El Nino. Dự báo El Nino giảm dần về cường độ và duy trì đến tháng 4, chuyển về pha trung tính trong tháng 5, tháng 6 (xác suất 70 - 80%) và sau đó có khả năng chuyển dần sang pha lạnh vào tháng 7 - 8 với xác suất khoảng 60%.

Trong tháng 3 năm 2024, số đợt không khí lạnh hoạt động ít hơn và cường độ yếu hơn trung bình nhiều năm. Rét đậm, rét hại có khả năng xuất hiện cục bộ ở một số tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc.

Trước đó, theo số liệu thống kê trung bình từ tháng 3 đến tháng 5 thời kỳ 1971 - 2000, có khoảng 8 đợt không khí lạnh ảnh hưởng Việt Nam.

Về gió mùa mùa hè, có khả năng bắt đầu muộn hơn đến xấp xỉ trung bình nhiều năm, cường độ yếu hơn ở đầu mùa và trung bình đến mạnh hơn ở giữa và cuối mùa.

Mùa mưa ở Tây Nguyên, Nam Bộ có khả năng bắt đầu muộn hơn đến xấp xỉ trung bình nhiều năm.

Xu thế nhiệt độ từ nay đến tháng 5 cao hơn giá trị trung bình nhiều năm cùng thời kỳ trên hầu hết cả nước.

Nắng nóng có khả năng đến sớm hơn trung bình nhiều năm. Số ngày nắng nóng xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Nắng nóng có thể xuất hiện nhiều và gay gắt hơn, có thể xuất hiện các kỷ lục cao về nhiệt độ.

Với tình hình nắng nóng như vậy, một số địa phương thuộc vùng núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra tình trạng thiếu hụt nước cục bộ; khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ tình trạng khô hạn vẫn tiếp tục và kéo dài đến tháng 4. Khu vực Nam Trung Bộ có thể xảy ra hạn nặng đến rất nặng và có khả năng kéo dài đến tháng 7.

Số lượng bão 2024 khả năng nhiều hơn

Tổng lượng mưa trong 2 tháng tới khả năng xấp xỉ đến thấp hơn trung bình nhiều năm ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; thấp hơn trung bình nhiều năm ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Ngoài ra, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu nhận định từ nay đến tháng 5 trên Biển Đông ít có khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới (bão/áp thấp nhiệt đới). Số lượng xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam trong năm 2024 sẽ nhiều hơn trong năm 2023, có thể ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm và tập trung vào nửa cuối của mùa bão.

Riêng khu vực Miền Trung, số lượng xoáy thuận nhiệt đới có khả năng ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Trước đó, theo số liệu thống kê trung bình từ tháng 3 đến tháng 5 thời kỳ 1971 - 2000 có khoảng 1 xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và cứ trong 10 năm thì có khoảng 2 cơn ảnh hưởng đến Việt Nam.

El Nino: El Nino là khái niệm dùng để chỉ hiện tượng nóng lên không bình thường của lớp nước mặt thuộc vùng biển phía đông xích đạo Thái Bình Dương kéo dài từ 3 mùa trở lên, El Nino còn được gọi là "pha nóng".

La Nina: Ngược với El Nino, La Nina là khái niệm dùng để chỉ hiện tượng lạnh đi không bình thường của lớp nước mặt thuộc vùng biển phía đông xích đạo Thái Bình Dương kéo dài từ 3 mùa trở lên, La Nina còn được gọi là "pha lạnh".

Dao động Nam (SO): SO là khái niệm dùng để chỉ hiện tượng dao động của chênh lệch khí áp giữa tây và trung tâm xích đạo Thái Bình Dương.

ENSO: Do 2 hiện tượng El Nino/La Nina (đại dương) và SO (khí quyển) xảy ra trên xích đạo Thái Bình Dương có quan hệ mật thiết với nhau nên chúng được liên kết lại thành một hiện tượng kép, gọi tắt là ENSO.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn