MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nước sông Hoài (TP.Hội An) dâng cao và tràn lên các tuyến đường gần khu vực bờ sông như: Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Châu Thượng Văn, Lê Lợi. Ảnh: Thanh Chung.

Dự báo mưa lũ miền Trung diễn biến khó lường và nguy hiểm mức nào?

Thảo Anh LDO | 10/10/2020 11:05

Ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định trạng thái La Nina tác động khiến tình hình mưa lũ ở khu vực miền Trung từ nay đến cuối năm diễn biến phức tạp và khó lường.

Để có những thông tin cập nhật về tình hình mưa lũ miền Trung, Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia.

Ông Vũ Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Ảnh: Hạnh Lê.

Thưa ông, ông có thể cung cấp thông tin về diễn biến mưa, lũ tại các miền Trung đến thời điểm hiện tại?

- Hiện nay, ở các tỉnh Trung Bộ vẫn tiếp tục có mưa, mưa lớn tập trung ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Lũ trên sông Ngàn Sâu, sông Bồ đang tiếp tục lên, sông Thạch Hãn đang lên lại, các sông khác ở Quảng Bình – Thừa Thiên Huế đang dao động ở mức cao, các sông ở Quang Nam, Quảng Ngãi đang xuống.

Chiều 8.10, đỉnh lũ tại Đông Hà (Quảng Trị) đã vượt lũ lịch sử năm 1983. Vậy đây đã phải là đỉnh lũ của đợt mưa lũ này hay chưa, thưa ông?

- Trong trận lũ vừa qua mực nước đỉnh lũ tại trạm Đông Hà trên sông Hiếu (Quảng Trị) đã vượt lũ lịch sử năm 1983 là 0,11m. Đây là mực nước cao nhất của đợt mưa lũ từ ngày 6 - 9.10 và đỉnh lũ cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc được tại trạm.

Thưa ông, nguyên nhân đợt mưa lớn này được xác định do đâu và vì sao lại kéo dài như vậy? So với năm 2017, mưa lũ ở miền Trung trong đợt này có dữ dội hơn hay không, thưa ông?

- Nguyên nhân của đợt mưa lớn này là do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ kết hợp với hoạt động của không khí lạnh. Nếu so sánh đỉnh lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi trong đợt lũ này (từ 6 - 9.10) với đỉnh lũ cao nhất năm 2017 thì phổ biến ở mức thấp hơn, riêng sông Kiến Giang và Thạch Hãn ở mức cao.

Dự báo tình hình mưa, lũ trong những ngày tới còn diễn biến như thế nào, thưa ông?

- Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên hôm nay 10.10, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100 - 250mm, có nơi trên 300mm; ở Nam Nghệ An, Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 50 - 100mm, có nơi trên 100mm.

Hiện nay, dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 12 - 15 độ vĩ Bắc nối với một vùng áp thấp trên khu vực giữa biển đông, vùng áp thấp ngày có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới/bão. Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, từ ngày 11 - 13.10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Trong những ngày tới tình hình lũ trên các sông ở khu vực Trung Bộ còn diễn biến phức tạp, lũ trên các sông có khả năng lên trở lại. Các địa phương ở khu vực Trung Bộ cần chú ý theo dõi chặt chẽ và cập nhật thường xuyên các thông tin dự báo và chủ động phòng chống với tình huống lũ lớn diễn ra trên diện rộng có thể tiếp tục xảy ra.

Thưa ông, sau đợt mưa lũ này, từ nay đến cuối năm dự báo tính chất mưa lũ khu vực miền Trung như thế nào?

- Hiện nay, khí quyển đã chuyển sang trạng thái La Nina, do đó từ nay cho đến cuối năm tình hình mưa lũ ở khu vực miền Trung còn diễn biến phức tạp và nhiều khả năng xuất hiện thêm các đợt mưa lũ lớn ở khuvực này.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn