MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dự báo sớm lũ quét, sạt lở đất gặp khó do những "con đê giả tạo"

Thảo Anh LDO | 17/07/2020 09:00

Rất khó để dự báo trước lũ quét và sạt lở đất do các dòng sông vào mùa khô hết nước bị vùi lấp một phần nào đó và tạo ra những "con đê giả tạo”. Khi đến mùa mưa những “con đê” đó vỡ nước ra tạo thành những “quả bom nước” tràn xuống.

Những trận mưa lớn từ đầu tháng 7 đã gây ra lũ quét, sạt lở đất thiệt hại hàng tỷ đồng ở các tỉnh Lai Châu, Lào Cai... Đây là dấu hiệu mở đầu cho mùa mưa bão tại khu vực miền núi phía Bắc.

Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với GS.TS Phan Văn Tân - Khoa Khí tượng Thuỷ văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội về năng lực dự báo sớm lũ quét, sạt lở đất và ứng phó thiên tai của Việt Nam.

 GS.TS Phan Văn Tân trao đổi. Ảnh: TA.

- Thưa GS.TS Phan Văn Tân, nguyên nhân gây lũ quét, sạt lở đất ở Lai Châu, Lào Cai... những ngày gần đây là gì?

Mưa lũ ở miền núi phía Bắc, cụ thể là ở Lai Châu những ngày gần đây chưa có dấu hiệu gì đặc biệt. Khu vực này chỉ có mưa tương đối lớn và xảy ra cục bộ trong thời gian ngắn. Hiện tượng sạt lở xảy ra do điều kiện địa chất ở khu vực đó là chính. Bản thân hiện tượng mưa lũ cực đoan xảy ra ở vùng Tây Bắc năm nay vẫn chưa xuất hiện.

Chúng ta cũng cần lưu ý rằng những tháng đầu mùa mưa thì khu vực vùng núi Tây Bắc thường xảy ra mưa sớm hơn. Vì vậy người dân cần lưu ý trong cả thời kì mùa khô thiếu nước khô hạn thì khi mưa xuống dồn dập khiến đất bở gây ra trượt lở đất. Theo các nhà địa chất thì khu vực Tây Bắc là vùng khá nhạy cảm.

- Vậy việc dự báo lũ quét, sạt lở ở Việt Nam như thế nào, có gặp khó khăn gì hay không, thưa ông?

Lũ quét, sạt lở đất rất khó dự báo vì bản thân các đợt mưa gây lũ thường xảy ra dồn dập trong thời gian ngắn.

Dự báo thời tiết chúng ta đã làm khá tốt trong những năm gần đây nhưng nếu để liên hệ dự báo thời tiết đó với những hiện tượng thiên tai lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống thì không dễ dàng. Các dòng sông vào mùa khô hết nước bị vùi lấp một phần nào đó và tạo ra những "con đê giả tạo” và vì vậy khi đến mùa mưa những “con đê” đó vỡ nước ra tạo thành những “quả bom nước”.

Hiện tượng đó rất khó có thể dự báo được. Nếu như người dân khu vực đó có thể quan sát hiện tượng chặn dòng, nghẽn dòng ở khu vực có nhiều nguy cơ thì có thể tiến hành khơi nguồn ra để giảm thiểu thiên tai.

- Vậy ông đánh giá như thế nào về công tác ứng phó thiên tai để giảm thiểu thiệt hại tại Việt Nam hiện nay?

Việt Nam chúng ta có những ứng phó rất hay. Nếu như trong đại dịch COVID-19 chúng ta vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng thì trong ứng phó với thiên tai chúng ta có phương châm bốn tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Tôi cho rằng chúng ta ứng phó với thiên tai rất thông minh và chủ động. Điểm sáng của chúng ta là có lực lượng bộ đội luôn sẵn sàng vào cuộc bất cứ tình huống nào kể cả vùng núi hay vùng có địa hình phức tạp.

- Sắp vào mùa mưa lũ dồn dập đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc, ông có khuyến cáo gì đến người dân để ứng phó thiên tai?

Thiên tai gây thiệt hại về người và tài sản có liên quan rất lớn đến ý thức của người dân. Nếu như người dân dùng bạt taluy làm nhà hay làm nhà gần bờ suối tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Khu vực Tây Bắc và vùng núi phía Bắc nói chung có địa chất khá phức tạp. Bản thân người bản địa nên ý thức tỉnh táo về việc này để khi xây nhà cửa, công trình phải đề phòng. Sâu xa hơn nữa, rừng đầu nguồn của chúng ta hiện nay đang bị khai thác, tàn phá dữ dội chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến lũ quét, lũ ống vào mùa mưa, thiếu nước mùa khô.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn