MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khỉ xuống bãi rác sau chùa Linh Ứng kiếm ăn. Ảnh: Văn Trực

Giải pháp cứu khỉ Sơn Trà khỏi hệ lụy từ thức ăn con người

Văn Trực LDO | 14/09/2023 11:31

Việc con người cho khỉ ăn đã thay đổi bản năng của loài linh trưởng đặc hữu này của bán đảo Sơn Trà. Ngoài việc xuống đường xin ăn, cướp đồ ăn, khỉ còn xuống tận bãi rác để bới móc thức ăn ôi thiu, hư hỏng. Thành phố Đà Nẵng cần sớm có giải pháp cụ thể để chấm dứt tình trạng này để trả lại đàn khỉ về với tự nhiên.

Khỉ xuống bãi rác kiếm ăn

Từ khi du khách được tự do tham quan trên bán đảo Sơn Trà, tình trạng cho khỉ ăn bắt đầu xuất hiện kéo theo nhiều hệ lụy. Từ năm 2020, hình ảnh hàng chục con khỉ xuống bãi rác bới móc, tìm kiếm thức ăn được du khách ghi lại.

Trong đó, đàn khỉ tại đoạn Miếu Đôi và đàn khỉ sau lưng chùa Linh Ứng là 2 đàn thường xuyên lui tới, kiếm ăn tại các bãi rác. Cho đến nay, tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Hằng ngày vào khoảng 10 giờ sáng, tại bãi rác sau lưng chùa Linh Ứng, hàng chục con khỉ vàng lớn nhỏ khác nhau lũ lượt kéo về bới móc để tìm thức ăn. Một số khác lại đứng trên cành cây, nhà vệ sinh để chực chờ người mang rác tới đổ là lao xuống.

Thức ăn đa số là bánh kẹo, trái cây… do du khách ăn thừa bỏ lại được tập kết về bãi rác sau chùa. Điều đáng nói, đây là những thức ăn, dơ bẩn, đầy vi khuẩn sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của chúng. Chưa kể, sau khi không còn tìm thấy thức ăn trong bãi rác, đàn khỉ di chuyển lên khu vực chùa Linh Ứng để xin ăn.

Mỗi khi tìm được 1 túi bóng, bao bì trong bãi rác, loài khỉ vàng lục lọi trong đó để tìm kiếm đồ ăn. Ảnh: Văn Trực

Chị Thanh Trúc – một tình nguyện viên tại bán đảo Sơn Trà nhiều năm qua cho biết, tình trạng khỉ xuống bãi rác kiếm ăn là từ hệ lụy của việc du khác lên bán đảo, mang đồ ăn cho khỉ khiến chúng mất đi bản năng tìm kiếm thức ngoài tự nhiên và hình thành những tập tính xấu.

Ông Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) đánh giá việc cho khỉ ăn và khỉ ăn rác trên Sơn Trà không chỉ ảnh hưởng đến loài khỉ mà còn cả con người.

Về phía loài khỉ, chúng sẽ bị thay đổi tập tính tự nhiên và kiếm ăn. Thức ăn của con người không tốt cho hệ tiêu hóa của khỉ. Khỉ con sinh ra sẽ học theo thói quen xấu của bố mẹ và tiếp tục xuống đường, xuống bãi rác kiếm ăn.

Về phía con người, việc cho khỉ ăn sẽ dễ dẫn đến xung đột giữa người và khỉ. Chúng sẽ dành đồ ăn, thậm chí cắn xé để lấy được đồ ăn từ tay con người. Khỉ tràn ra đường dễ xảy ra tai nạn giao thông với con người. Lâu dần, khỉ dạn người và đến các khu dân cư gần bán đảo Sơn Trà để kiếm ăn, phá hoại.

“Bài học nhãn tiền là ở đảo Cù Lao Chàm, khỉ vào khu dân cư lục cơm, phá bàn thờ… khiến đời sống người dân bị xáo trộn”, ông Vỹ dẫn chứng.

This browser does not support the video element.

Video khỉ cụt tay trên bán đảo Sơn Trà kiếm ăn ở bãi rác. Video: Thanh Trúc

Cần sớm có chế tài xử lý

Để giải quyết tình trạng này, ông Trần Hữu Vỹ - Giám Đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) chi biết hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể về xử phạt hành vi cho khỉ ăn. Tuy nhiên, có thể áp dụng xử phạt hành chính đối với việc xả rác bừa bãi đối với những người vi phạm.

Về lâu dài, thành phố Đà Nẵng cần ban hành một số quy chế đặc thù cho khu vực bán đảo Sơn Trà để dễ dàng xử lý những người cho khỉ ăn. Phải tăng cường tuyên truyền cho người dân và du khách nhận biết hành vi cho khỉ ăn là sai trái.

Những thùng rác trên bán đảo Sơn Trà cần được thiết kế để khỉ không mở, lấy được rác bên trong.

“Ngoài ra, các hộ kinh doanh… trên bán đảo Sơn Trà cần được tuyên truyền và cam kết về việc không xả rác bừa bãi. Từ đó hạn chế tối đa việc khỉ tiếp cận với thức ăn từ nguồn gốc con người”, ông Vỹ đề xuất.

Khỉ lục lọi thùng rác để kiếm ăn. Ảnh: Văn Trực

Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Trường Chinh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà cho biết hiện nay, ngoài việc tuyên truyền, ngăn chặn thì chưa có chế tài nào để xử lý hành vi cho động vật hoang dã ăn.

“Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành nghiên cứu để đề xuất giải chế tài áp dụng cho khu vực bán đảo Sơn Trà hoặc địa phận thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc này đang trong giai đoạn nghiên cứu vì cần phải phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành”, ông Chinh cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn