MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Thủ phủ” rác ở Xà Cầu. Ảnh: TH.

Hà Nội: Ngạt thở sống bên những khối "bê tông" rác khổng lồ

Phạm Đông - Thái Hà LDO | 15/08/2019 12:02

Là nơi được xem như “thủ phủ” phế thải lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội, thế nhưng hiện nay người dân làng Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đang phải khốn khổ sống chung với rác và ô nhiễm môi trường.

Thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu) trước đây có nghề làm hương đen nổi tiếng khắp các vùng lân cận. Do công việc làm hương thu nhập không ổn định nên nhiều hộ dân trong thôn đã chuyển qua thu gom, buôn bán phế liệu đã nhiều năm nay.

Do vậy hơn 150/800 hộ dân ở Xà Cầu lấy nghề thu gom, sơ chế rác thải làm nguồn thu nhập chính cho cả gia đình. Họ thu mua về đủ loại phế thải từ chai nhựa, tivi, tủ lạnh, các loại lon nước... chất thành từng đống cao ngất ngưởng ven đường.

Phế thải nhựa được ép thành từng tảng lớn chất thành đống lớn. Ảnh: TH.

Sau khi các container vận chuyển rác về làng, các hộ dân sẽ tiến hành sơ chế phế liệu. Từ việc phân loại, phân chia đồ vật không đạt chuẩn, vật nguy hiểm, sau đó người dân sẽ cho vào máy ép thành từng tảng lớn cao khoảng 50 - 60cm. Nhiều loại chai nhựa, ống nhựa khác thì được cho vào máy nghiền nát thành những mẩu vụn để tái thành phẩm.

Thu nhập nghề thu gom phế liệu này tuy có khấm khá hơn, thế nhưng hàng trăm hộ dân ở Xà Cầu đang ngày ngày phải chịu cảnh sống trong môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hàng trăm tấn rác thải bủa vây trong từng nếp sống sinh hoạt, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe người dân và môi trường sống xung quanh.

Người dân Xà Cầu sinh sống bằng nghề thu gom, sơ chế rác thải đã nhiều năm nay. Ảnh: TH.

Bà Nguyễn Thị Dinh (SN 1975) thôn Xà Cầu chia sẻ: “Thu nhập nghề này đủ chi tiêu trong gia đình nên phần lớn các hộ dân ở đây đều phải bám nghề mà sống thôi. Những người mới vào làng sẽ cảm thấy rất khó chịu, thậm chí một số hộ dân vừa chuyển đến đã phải chuyển đi nơi khác.

Cả ngày sống trong cảnh nhựa, rác thải bao quanh nên cơ thể tôi lúc nào cũng ê ẩm, nôn nao khắp người nhưng cũng phải chịu chứ không còn cách nào khác”.

Hàng trăm tấn rác bủa vây đời sống của người dân nơi đây. Ảnh: TH.
Nhiều loại nhựa đặc thù được nghiền thành mảnh vụn để tái chế. Ảnh: TH.
Bà Nguyễn Thị Dinh ngán ngẩm khi kể về nghề của mình. Ảnh: TH.

“Những hôm trời nắng nóng, rác thải bốc mùi hôi thối bay theo gió vào nhà rất khó chịu. Chưa kể đến công đoạn phân loại rác, nếu không cẩn thận thì rất dễ bị thương bởi các mảnh nhọn, kim tiêm lẫn lộn trong phế thải. Rác thải ngổn ngang gần nguồn nước, nước xả từ nhà máy nghiền nhựa của nhiều hộ dân trong làng đều xả trực tiếp ra ruộng mương rất ô nhiễm” - chị Nguyễn Thị Hường (SN 1980) bày tỏ.

Khi phân loại rác nếu không cẩn thận sẽ bị thương bởi các vật nhọn, kim tiêm, mảnh thủy tinh... Ảnh: TH.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Xuân Toản (SN 1984) - Trưởng thôn Xà Cầu cho biết tình trạng ô nhiễm môi trường ở thôn đã diễn ra trong nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết phù hợp.

Theo ông Toản, hiện tại ở Xà Cầu vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra hỗ trợ và hướng dẫn người dân xử lý rác thải tái chế. Người dân địa phương rất mong muốn trong thời gian tới các cơ quan chức năng ngành môi trường Hà Nội có biện pháp giúp đỡ các hộ dân xử lý theo đúng quy định.

Rác thải ngổn ngang khắp lối đi trong thôn. Ảnh: TH.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn