MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sông Nhuệ ô nhiễm vì bị nước thải bức tử. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Hiện trạng 4 dòng sông Hà Nội muốn hồi sinh, cải tạo dòng nước

VĨNH HOÀNG LDO | 04/06/2023 14:16
Hà Nội - Dòng chảy bị thu hẹp, chất thải tạo thành bãi bồi, dòng nước ô nhiễm là hiện trạng nhiều năm nay tại sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy.

Theo ghi nhận trên những dòng sông của Hà Nội như: sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy, tình trạng nước ô nhiễm nặng, đặc quánh, đen kịt, bốc mùi hôi thối đã diễn ra nhiều năm nay.

Sông Tô Lịch là một trong những trục tiêu thoát nước chính của Thủ đô, với chiều dài khoảng 14 km, qua địa phận 6 quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì.

Tuy nhiên, dưới sức ép của quá trình đô thị hóa, cùng nước thải sinh hoạt cùng với sự thiếu ý thức của người dân đã khiến dòng sông trở nên ô nhiễm nặng nề.

Sông Tô Lịch chảy qua nhiều khu dân cư đông đúc tại Hà Nội và đang chịu ảnh hưởng lớn từ sự quá tải hạ tầng, ô nhiễm trầm trọng. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Hiện nay, mỗi ngày khoảng hơn 150.000 m³ nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý qua hơn 300 cống xả thải, xả trực tiếp xuống sông Tô Lịch.

Từ một con sông sạch - đẹp, sông Tô Lịch đã dần trở thành nơi chứa nước thải, rác sinh hoạt của người dân.

Mùi hôi thối của con sông “chết” khiến người dân ngột thở. Ảnh: Vĩnh Hoàng 

Anh Nguyễn Lê Nam (22 tuổi, Cầu Giấy) cho biết, thời điểm nắng nóng là lúc mà người dân sinh sống dọc sông Tô Lịch khốn khổ nhất.

"Cứ mở cửa nhà ra là mùi hôi xộc thẳng vào mũi làm tôi không thể thở nổi; nước thải thì ngày đêm đổ ra sông khiến nước sông luôn nổi bọt trắng, đốm đen, hiện sông Tô Lịch giống một con kênh thoát nước hơn là một con sông", anh Nam nói.

Xả thải ngày đêm khiến nước sông Tô Lịch ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Vĩnh Hoàng 

Bên cạnh sông Tô Lịch, sông Nhuệ cũng đang dần trở thành con sông "chết" khi đang phải "gồng gánh" lượng nước thải ô nhiễm của hơn 2.500 nguồn thải.

Trong đó, 1.672 nguồn thải từ cơ sở sản xuất, kinh doanh; 126 nguồn thải từ khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 137 nguồn thải từ các cơ sở y tế (bệnh viện), 586 làng nghề.

Sông Nhuệ ô nhiễm dần biến thành con sông chết. Ảnh: Vĩnh Hoàng 

Ông Nguyễn Việt Anh (52 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, từ những năm 2000 trở về trước, người dân vẫn thường sử dụng nước sông Nhuệ để sinh hoạt hằng ngày.

"Trước đây, nước dòng sông Nhuệ rất sạch, cá, tôm vẫn còn sống, nhưng chục năm trở lại đây, nước sông ngày càng ô nhiễm, chỉ cần chạm vào nước thôi là kiểu gì ngày hôm sau cũng nổi mẩn ngứa”, ông Việt Anh nói.

Nước sông Nhuệ ô nhiễm, nổi nhiều đốm đen. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Cách sông Nhuệ không xa, tình trạng của sông Đáy cũng không khá hơn, khi nước sông luôn bị ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi thối.

Theo quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhiều thời điểm, chất lượng môi trường nước sông Đáy thường xuyên thuộc nhóm kém nhất trong 5 lưu vực sông ở miền Bắc.

Dòng chảy của sông Đáy bị thu hẹp. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Qua qua sát, có thể nhận thấy chất thải ô nhiễm tạo thành các bãi bồi thu hẹp dòng chảy của sông Đáy. Nhiều vị trí, nước sông ô nhiễm đặc quánh, bốc mùi nồng nặc khiến con sông "chết dần, chết mòn".

Nước sông Đáy mang một màu đen kịt. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Trong 4 dòng sông cần hồi sinh thì sông Tích có mức độ và tình trạng ô nhiễm nhẹ hơn , khi người dân vẫn có thể bơi lội và bắt cá trên con sông này.

  Theo ghi nhận, sông Tích là dòng sông ít ô nhiễm nhất. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Người dân bắt cá, bơi lội trên sông Tích. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Trước đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương của thành phố khẩn trương có giải pháp nạo vét, khơi thông, xử lý ô nhiễm nguồn nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn