MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khả năng sắp xuất hiện những loại thiên tai dị thường, nguy hiểm nào?

Thảo Anh LDO | 24/07/2020 16:08
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia và  Viện Vật lý địa cầu, từ nay đến cuối năm khả năng xuất hiện dồn dập những hiện tượng nguy hiểm như bão, mưa lũ, sạt lở đất và động đất...

Ngày 20 và ngày 21.7, tại tỉnh Hà Giang đã xảy ra mưa lớn, gây lũ ống, sạt lở đất, ngập lụt nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề về người, nhà cửa của nhân dân, công trình hạ tầng, ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là tại các huyện Hoàng Su Phì, Bắc Mê, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định lượng mưa từ 19h ngày 20.7 đến 19h ngày 21.7 đạt  347 mm - là lượng mưa trong vòng 24 giờ lớn nhất theo số liệu quan trắc từ năm 1961 đến nay (tức 59 năm). Như vậy, dù mới chỉ vào đầu mùa song thiên tai đã có xu hướng diễn biến cực đoan, khó lường.

Nhận định về xu thế thời tiết nguy hiểm tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Tiến sĩ Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, miền núi phía Bắc với 10,6 triệu người thuộc 30 dân tộc sinh sống, sản xuất chủ yếu là lâm nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt trên địa hình, núi cao, độ dốc lớn, chia cắt, địa chất phức tạp, nhiều sông, suối.

Thời tiết, khí hậu khắc nghiệt với mùa mưa tập trung trên 80% lượng mưa. Vì vậy thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, mưa đá, dông lốc, sét, động đất, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Bên cạnh đó, nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện, khu khai thác khoáng sản, đường giao thông,... được xây dựng để phát triển kinh tế - xã hội và phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, song cũng đã và đang gia tăng rủi ro thiên tai, nhất là lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Tiến sĩ Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Ngọc Hà.

Cảnh báo về những hình thái thời tiết nguy hiểm từ nay đến cuối năm, Tiến sĩ Trần Quang Hoài cung cấp thông tin dự báo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia. Theo đó, mưa, lũ sẽ ập trung vào tháng 8 đến giữa tháng 10. Lượng mưa tháng 7 ở mức thấp khoảng từ 10-25%, tháng 9 cao hơn từ 15-30% so với trung bình nhiều năm.

Đỉnh lũ lớn nhất trên các sông suối từ tháng 7-10 phổ biến ở mức báo động 1-báo động 2, các sông suối nhỏ từ báo động 2-báo động 3 cao hơn năm 2019. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc.

"Với nhiều đặc điểm tương đồng với khu vực phía Nam Trung quốc, nhất là trong điều kiện vừa trải qua thời kỳ nắng hạn kéo dài, nguy cơ về xuất hiện mưa, lũ lớn tại khu vực miền núi phía Bắc tương tự như đang xảy ra tại Trung Quốc là rất lớn và cần được quan tâm đặc biệt" - Tiến sĩ Trần Quang Hoài nhấn mạnh.

Về mùa bão dù xuất hiện muộn song có khả năng có khoảng 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta vào những tháng cuối năm. Bão xảy ra muộn vào thời kỳ các hồ đã tích nước, hoàn lưu sau bão thường gây mưa lũ lớn sẽ ảnh hưởng đến an toàn đập và xả lũ ngập lụt hạ du, an toàn hệ thống đê điều.

Ngoài ra, theo nhận định của Viện Vật lý địa cầu, thời gian tới động đất có thể tiếp tục xảy ra, cường độ lớn nhất tại các tỉnh Đông Bắc có thể đến cấp 7; Tây Bắc cấp 8, thậm chí cấp 9 ở Điện Biên, Lai Châu, Sơn La,….

"Đây là tình huống hết sức nguy hiểm với người dân, công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng trong khu vực và nguy cơ sạt lở đất, đặc biệt là khi có mưa lũ lớn. Ngoài ra, khu vực miền núi phía Bắc có thể còn tiếp tục xuất hiện các hình thái thời tiết nguy hiểm đã xảy ra gây thiệt hại lớn từ đầu năm 2020 như dông lốc, sét, mưa đá khi có biến động về thời tiết" - Tiến sĩ Quang Hoài khuyến cáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn