MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng khai thác đất đá ào ạt, gây ô nhiễm nghiêm trọng, kéo dài hàng chục năm tại huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Ảnh: Thùy Trang

Khai thác đất đá xây dựng, 10 năm Đà Nẵng chưa khắc phục được hệ lụy

THÙY TRANG LDO | 29/02/2024 18:53

Đà Nẵng thiếu nguồn cung về nguyên vật liệu đất đá so với nhu cầu xây dựng của các địa phương, các ban quản lý dự án. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam cho biết, nếu cho phép khai thác hàng loạt thì hệ lụy sẽ rất lớn. Trong khi đó, bài học của 10 năm trước đến nay thành phố vẫn chưa giải quyết xong.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, công tác giải phóng mặt bằng năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, thành phố đang thiếu nguồn cung về nguyên vật liệu khoáng sản, đất đá xây dựng so với nhu cầu thực tế.

Cụ thể, Đà Nẵng đang có 10 mỏ hoạt động với 1 mỏ đất san lấp, 9 mỏ đá thông thường, đáp ứng được 300.000m3 đất san lấp và 870.500m3 đá xây dựng thông thường.

Tuy nhiên nhu cầu thực tế hiện nay theo quy hoạch thành phố giai đoạn 2021-2030, khối lượng đất san lấp có nhu cầu là 40.297.000m3, như vậy trung bình năm là 4.029.000m3/năm. Đối với đá xây dựng thông thường theo quy hoạch cần 17.136.000m3, trung bình cần 1.713.000m3/năm và phát sinh tại các dự án…

Dù vậy, ông Võ Nguyên Chương – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết – đơn vị rất cân nhắc việc phân cấp ủy quyền bởi đây là vấn đề không mang tính chất diện rộng trên địa bàn thành phố và khoáng sản là loại tài nguyên không thể phục hồi.

“Quan điểm của chúng tôi là không thể bằng mọi giá tận thu một cách triệt để, bởi một khi tận thu thì không thể tái tạo lại” - ông Chương nhấn mạnh.

Khai thác khoáng sản khiến đường sá bị hư hỏng. Ảnh: Nguyên Thi

Đồng quan điểm với Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – cho rằng, chỉ nên cho phép khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố khi đã tính toán, trên cơ sở cân đối được nhu cầu thực tế.

Bởi, chính Đà Nẵng đã có bài học kinh nghiệm vào năm 2008 đến 2013, khi cho phép tổ chức khai thác hàng loạt thì hậu quả để lại rất lớn, đó là những mỏ nham nhở, tạo những lỗ hổng sâu tại khu vực mà đến nay khi giao lại cho địa phương cũng không thể sử dụng hay sản xuất được. Đà Nẵng từng có 20 mỏ thì có đến 8 - 9 mỏ bị chủ bỏ đi, không khắc phục được, chủ yếu ở huyện Hòa Vang.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam cho rằng không nên cho phép khai thác khoáng sản hàng loạt. Ảnh: Thùy Trang

“Nếu cho phép theo yêu cầu, mong muốn của chủ đầu tư, đơn vị thi công thì 15 năm nữa, huyện Hòa Vang sẽ không còn núi đồi. Tài nguyên khoáng sản Đà Nẵng rất ít so với các địa phương khác. Chúng ta đang tập trung về phát triển tín chỉ cacbon thì nếu như tiếp tục cho khai thác theo mong muốn của chủ đầu tư, đơn vị thi công thì rõ ràng chúng ta không đạt được đô thị xanh cũng như phát triển bền vững” - ông Nam nói.

Có ý kiến về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị UBND thành phố báo cáo về nguồn nguyên liệu, mỏ khoáng sản trên địa bàn thành phố để tiếp tục thảo luận, đưa ra chủ trương đảm bảo công tác quản lý và khai thác, sử dụng nguồn vật liệu phục vụ các công trình dự án trọng điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn