MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đập ngăn mặn Vĩnh Phương trên sông Cái, Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: PV

Khánh Hòa: Cảnh báo nguy cơ ô nhiễm nguồn nước thô

Nhiệt Băng LDO | 29/02/2020 07:14
Công ty CP Cấp thoát nước Khánh Hòa đưa ra các nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sông Cái, gây ảnh hưởng đến nguồn nước thô dùng sản xuất nước sinh hoạt sau khi kiểm tra hàng loạt điểm xả thải trên dòng sông này.

Vô tư xả thải ra sông

Để sản xuất nước sinh hoạt cung cấp cho người dân Nha Trang, Diên Khánh, Cam Lâm sử dụng hàng ngày, chất lượng nguồn nước thô lấy từ sông Cái đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, trong hành lang nguồn nước thô (từ đập ngăn mặn Vĩnh Phương ngược dòng sông Cái trong phạm vi 1.000m) do Công ty Cấp thoát nước Khánh Hòa bảo vệ xuất hiện nhiều vị trí có nguy cơ gây ô nhiễm. Có mặt trên sông Cái đoạn qua thị trấn Diên Khánh, phóng viên Lao Động chứng kiến màu nước sông đục ngầu kèm bọt trắng nổi bồng bềnh. Nguồn nước thải này chảy ra từ làng bún thuộc Tổ dân phố Phú Lộc Đông 2, thị trấn Diên Khánh.

Anh Lưu Trọng Lâm (thôn Phú Lộc Đông 2) cho biết, người dân ở đây rất bức xúc vì bị các lò làm bún “tra tấn”. “Họ xả thải ra sông Cái suốt ngày, gây hôi thối không ai chịu nổi. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh nhưng hoạt động xả thải vẫn diễn ra” - anh Lâm nói.

Tại xã Diên Lâm (huyện Diên Khánh), các trại chăn nuôi lợn cũng vô tư xả nước phân lợn ra sông Cái. Ông Phạm Ngỡi - người dân thôn Thượng, xã Diên Lâm - bức xúc: “Cứ 15-16 giờ là nước thải đen kịt chảy tràn ra, hôi thối nồng nặc. Người dân đã lên xã phản ánh nhưng việc xả thải từ các trại nuôi lợn vẫn diễn ra”.

Cần xử lý, chấn chỉnh có điểm xả thải

Ông Vũ Văn Bình - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Khánh Hòa - nói rằng, nước sông Cái là nguồn cấp nước chính cho khoảng 150.000 khách hàng trên địa bàn Thành phố Nha Trang, huyện Diên Khánh, Cam Lâm. Tuy nhiên, hiện nay, chất lượng nguồn nước sông Cái có nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng do việc xả thải, ô nhiễm môi trường tại một số khu vực như các trại chăn nuôi lợn ở xã Diên Lâm, làng làm bún ở Tổ dân phố Phú Lộc Đông 2 và nguồn nước thải sinh hoạt, sản xuất bún đổ ra Bầu Máng (thị trấn Diên Khánh).

Kết quả kiểm tra của các cơ quan (gồm Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Khánh Hòa, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Diên Khánh và Công ty CP Cấp thoát nước tỉnh Khánh Hòa) mới đây cho thấy, nước thải từ làng nghề bún (thuộc Tổ dân phố Phú Lộc Đông 2, thị trấn Diên Khánh) đang xả ra sông Cái có mùi hôi thối nồng nặc. Qua phân tích mẫu nước thải, nhiều chỉ tiêu không đạt.

Tương tự, nước thải từ các hộ sản xuất đổ ra Bầu Máng (thị trấn Diên Khánh) đang xả ra sông Cái cũng có mùi hôi thối. Kết quả phân tích chất lượng nước tại điểm này cũng cho thấy, nhiều chỉ tiêu vượt giới hạn cho phép. Trong khi đó, tại vị trí nước thải do các trại lợn ở xã Diên Lâm đổ ra Bàu Đá, đoàn kiểm tra ghi nhận lúa, sen bị chết do ô nhiễm.

“Chúng tôi nhận diện đây là một nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước thô dùng để sản xuất nước sinh hoạt nên đã đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Diên Khánh, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Khánh Hòa... chỉ đạo, kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm trên” - ông Bình nói.

Rút kinh nghiệm qua sự cố nhiễm dầu nước Sông Đà vừa qua, Công ty CP Cấp thoát nước Khánh Hòa đã tiến hành rà soát lại hệ thống cấp nước an toàn và đầu tư hàng trăm mét phao ngăn dầu tại các trạm thu nước thô trên sông Cái và sắm canô để tăng tần suất tuần tra, kiểm soát. “Điều quan trọng hiện nay vẫn là ý thức tuân thủ pháp luật về môi trường của người dân đối với sức khỏe của chính họ và vì sự an toàn, an ninh nguồn nước của địa phương” - ông Bình chia sẻ.

Theo ông Bình, đến nay, việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước thô trên sông Cái vẫn chưa thể thực hiện vì liên quan đến quyền sở hữu đất đai của người dân hai bên bờ sông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn