MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Ngọc - nhân viên VQG Vũ Quang chăm sóc đàn khỉ trước khi tái thả về tự nhiên. Ảnh: Trần Tuấn

Khó khăn trong chăm sóc động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Vũ Quang

TRẦN TUẤN LDO | 11/06/2024 10:30

Số lượng động vật hoang dã do người dân và cơ quan chức năng giao nộp lớn trong khi điều kiện về cơ sở vật chất như chuồng trại, thức ăn, đội ngũ nhân viên chăm sóc của Vườn Quốc gia (VQG) Vũ Quang (Hà Tĩnh) còn thiếu, hạn chế năng lực đã ảnh hưởng đến công tác chăm sóc trước khi tái thả về tự nhiên.

VQG Vũ Quang hiện đang nuôi nhốt, chăm sóc hơn 50 cá thể động vật hoang dã, trong đó chủ yếu là khỉ, vượn và rùa. Các chuồng nuôi là những lồng sắt với diện tích khá chật hẹp nằm dọc phía sau dãy nhà làm việc của cán bộ VQG Vũ Quang

Chị Lê Thị Bảo Ngọc (28 tuổi) là nhân viên của Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế VQG Vũ Quang - cho biết: “Việc chăm sóc động vật hoang dã ban đầu tôi rất mơ hồ vì không có chuyên môn nên phải lên mạng tìm hiểu, sau đó được đi tập huấn rồi rút kinh nghiệm qua thực tiễn là chủ yếu”.

Chị Trần Thị Hồng (39 tuổi) mới nhận công tác tại Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế VQG Vũ Quang từ đầu năm 2024 đến nay. Theo chị Hồng, chị cũng không có chuyên môn chăm sóc động vật hoang dã mà tự học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị trong cơ quan để thực hiện nhiệm vụ này.

Ông Nguyễn Việt Hùng - Trưởng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế VQG Vũ Quang - cho biết, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nên từ năm 2018 bắt đầu có một số người dân tự nguyện giao nộp động vật hoang dã để VQG Vũ Quang thả về tự nhiên.

Khi tiếp nhận, một số cá thể bị thương do dính bẫy hoặc qua nuôi nhốt lâu ngày chưa thể thả về tự nhiên ngay mà phải chăm sóc, tập dần cho chúng dần lấy lại bản năng hoang dã, khi đủ điều kiện mới tái thả về tự nhiên.

Cũng từ năm 2018, công tác tiếp nhận, chăm sóc động vật hoang dã tại VQG Vũ Quang được giao cho 7 cán bộ, nhân viên Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế thực hiện kiêm nhiệm.

Theo ông Hùng, để có thể thực hiện được công việc chăm sóc động vật hoang dã, cán bộ, nhân viên của phòng được đi học tập kinh nghiệm, tập huấn về chuyên môn và tham vấn với một số chuyên gia ở các trung tâm cứu hộ động vật lớn trong nước.

Khi tiếp nhận một số động vật thuộc loài linh trưởng bị thương, do không đủ năng lực chăm sóc nên VQG Vũ Quang phải chuyển cho một số trung tâm cứu hộ động vật trong nước chăm sóc lâu dài.

“Hiện nay tại Vườn Quốc gia Vũ Quang công tác chăm sóc động vật hoang dã gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất còn thiếu, kinh phí lấy từ nguồn chi thường xuyên của cơ quan còn hạn hẹp, cán bộ, nhân viên chăm sóc động vật về chuyên môn còn hạn chế.

Bởi vậy, chúng tôi rất mong đề án thành lập trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Vũ Quang sớm được chấp thuận, phê duyệt để công tác chăm sóc động vật hoang dã được thực hiện tốt hơn” - ông Hùng chia sẻ.

Theo số liệu từ VQG Vũ Quang, từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận, chăm sóc tổng gần 1.500 động vật hoang dã do người dân và cơ quan chức năng bàn giao. Trong quá trình chăm sóc có 53 cá thể bị chết, có 8 cá thể phải chuyển cho trung tâm cứu hộ động vật trong nước chăm sóc, còn lại tái thả về tự nhiên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn