MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ cháy Rạng Đông gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hà Vi

Kiểm tra môi trường định kỳ thì rất tốt, kiểm tra đột xuất khác hẳn

Nguyễn Hà LDO | 29/04/2020 15:41

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nêu vấn đề, một số cuộc kiểm tra định kỳ về môi trường thì chất lượng rất tốt nhưng khi kiểm tra đột xuất thì kết quả khác hẳn.

Không chấp nhận hi sinh về môi trường

Ngày 29.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và giải quyết tháo gỡ một số vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19. 

Bộ đã tập trung sửa đổi luật bảo vệ môi trường năm 2014, đã đặt môi trường vào vị trí trung tâm trong phát triển đất nước, trong dự thảo lần này có nhiều chính sách có tính "cách mạng", đổi mới. Điều này đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân trong việc bảo vệ môi trường sống trong lành, an toàn. 

Dẫn một số điểm mới về dự luật sửa đổi lần này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, luật sẽ là nền tảng pháp lý hình thành và phát triển mô hình tăng trưởng bền vững như kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, vấn đề môi trường không những là trung tâm mà còn mang tính định hướng, dẫn dắt để lựa chọn mô hình phát triển kinh tế.

Xác định rõ vai trò kiến tạo của nhà nước, vai trò của người dân, doanh nghiệp và hệ thống chính trị. Tạo ra cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian thủ tục hành chính. 

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đã đến lúc không thể hi sinh môi trường, không thể áp đặt yêu cầu phát triển vượt lên khả năng của tự nhiên, đã đến lúc quan niệm con người Việt Nam có quyền sống trong một môi trường ngang bằng với tất cả các nước. Đã đến lúc phải nhìn nhận vấn đề, chất lượng môi trường không còn đảm bảo, không còn an toàn. Không thể hi sinh, làm suy thoái, ô nhiễm môi trường được nữa, cần phải thay đổi.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Sơn Tùng 

Tăng cường kiểm tra đột xuất

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong kiểm tra, thanh tra môi trường, sau đó là xử phạt, nhưng hậu quả vi phạm về môi trường có khi phải vài ba chục năm mới thấy hết. Kiểm tra nếu báo trước thì cứ đến là họ tắt máy, thế là hết ô nhiễm. Bây giờ kiểm tra, thanh tra môi trường có làm như trước? Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường cho biết phải tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất.

"Với công tác kiểm tra, thanh tra về môi trường, khi tiến hành xử phạt, các trường hợp cố tình vi phạm, cố kiếm lời bằng cách "ăn" vào môi trường làm lãi thì sẽ phạt bằng số kinh phí thu được bất chính do không tuân thủ quy định về môi trường" - ông Hà nêu.

Tại cuộc họp, ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng nêu vấn đề rằng, để các cuộc kiểm tra có hiệu quả tốt thì cần tăng cường các cuộc kiểm tra đột xuất.

"Kinh nghiệm của Quảng Ninh, một số cuộc kiểm tra có thông báo thì rất tốt, cử tri nêu rất nhiều về vấn đề nước thải ngành y tế, đi kiểm tra đều tốt cả, mình cũng thấy rất lạ. Về sau yêu cầu kiểm tra đột xuất, không báo trước kết quả khác hẳn. Như vậy để thấy một điều, nếu không kiểm tra đột xuất thì rất khó phát hiện ra sự thật" - ông Hậu cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn