MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lấy mặn trị mặn - bài học linh động về thích ứng biến đổi khí hậu

Lục Tùng LDO | 08/04/2024 07:22

Cần hiểu chủ trương đưa nước mặn vào “vùng ngọt hóa” của tỉnh Tiền Giang như việc làm hướng tới đa mục tiêu trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Những ngày gần đây mạng xã hội lại “nóng” lên trước thông tin UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức lấy nước mặn từ sông Tiền vào vùng “ngọt hóa”.

Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang vận hành lấy gạn nước tại cống Xuân Hòa (xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo) bơm vào hệ thống kênh phục vụ vùng “ngọt hóa Gò Công” gồm các địa phương: Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và thị xã Gò Công.

Ngay sau khi thông tin được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, có ý kiến cho rằng điều này sẽ làm phá sản công trình ngọt hóa mà thời gian qua Đảng, Nhà nước đã dành sự đầu tư lớn.

Người dân vùng giáp biển vận chuyển nước ngọt phục vụ sinh hoạt gia đình. Ảnh: Lục Tùng

Thoạt nhìn, ý kiến này đáng quan tâm, vì việc đưa nước mặn vào “vùng ngọt hóa” như một cách “nối giáo” cho nước mặn tấn công trực diện vào vùng “ngọt hóa”. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tài nguyên nước, cần đặt vấn đề một cách rộng hơn để xem xét một cách khách quan, khoa học và thời sự.

Theo TS Tô Văn Trường - chuyên gia nghiên cứu độc lập về môi trường và tài nguyên nước, việc đưa nước mặn vào “vùng ngọt hóa” nên hiểu như là một hành động hướng tới đa mục tiêu trong thời kỳ mặn xâm nhập sâu vào nội đồng đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Ông Trường đưa ra ví dụ, ngay hồ Kênh Lấp (Bến Tre) được đầu tư 85 tỉ đồng, có sức chứa 800.000 m3 nước, vẫn bị mặn xâm nhập.

Biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng đang dồn đẩy nhiều địa phương vùng ĐBSCL vào tình thế thiếu nước ngọt cục bộ. Ảnh: Lục Tùng

Theo các chuyên gia, việc lấy nước “có độ mặn được kiểm soát” (dưới 1,5 gram/lít) vào cống Xuân Hòa trong cao điểm khô hạn là việc làm hướng tới nhiều mục tiêu quan trọng chứ không đơn giản là chuyện “lấy nước chỗ này đưa đến chỗ khác”.

Bên cạnh việc nâng cao mực nước trên các kênh trong vùng “ngọt hóa Gò Công” nhằm hạ nền nhiệt độ do nắng nóng gây ra, còn có tác dụng “ém phèn” bên dưới lòng đất trồi lên và mặn bên ngoài thẩm thấu vào... Ngoài ra, điều này còn hướng tới mục tiêu hài hòa thăng bằng bờ đất các tuyến kênh, rạch trong bối cảnh mực nước nội đồng cạn kiệt để hạn chế khả năng sạt lở.

Theo TS Tô Văn Trường, vấn đề cần quan tâm ở đây là phải tổ chức việc vận hành tốt quy trình của cống và liên tục công khai minh bạch thông tin về lượng nước và độ mặn kèm khuyến cáo để người dân chủ động tưới nước vào thời gian thích hợp với cây trồng.

Song song với việc “lấy mặn trị mặn“, theo các chuyên gia, cần quản lý việc vận hành cống và cập nhật thông tin về mực nước và độ mặn để người dân chủ động lấy nước một cách hiệu quả. Ảnh: Lục Tùng

Thực ra, cách làm “lấy độc trị độc” này có thể mới trong lĩnh vực thủy lợi, nhưng không mới so với thực tiễn thích ứng với biến đổi thời tiết của ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL trong thời gian qua.

Để hạn chế khả năng bùng phát cháy rừng trên diện rộng trong bối cảnh thiếu nguồn nước chữa cháy, từ nhiều năm qua ngành nông nghiệp đã áp dụng có hiệu quả chủ trương đốt rừng chủ động. Sau khi xác định “điểm nóng”, tổ chức dùng lửa đốt có kiểm soát xung quanh khu vực đó để tạo khoảng trống với khu vực có nguy cơ cháy cao. Thoạt nhìn có vẻ như “nghịch lý”, nhưng chính việc đốt cháy chủ động này đã tạo ra hành lan an toàn, hạn chế khả năng bắt lửa của khu vực nguy cơ cao khi xảy ra cháy...

Vì lẽ đó, thay vì lên án, chỉ trích…, chúng ta nên xem đây là sự linh động thích ứng trong tình hình mới để rồi cùng chung tay hiến kế, đề xuất giải pháp khả thi. Những sáng kiến hay, việc làm thiết thực lúc này không chỉ góp phần cho việc vận hành “lấy mặn trị mặn” hiệu quả hơn trong lĩnh vực thủy lợi, mà qua đó còn gợi mở ra nhiều hướng đi mới lộ trình thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày một nghiêm trọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn