MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường sạt lở trôi cả làng làm hàng chục người chết và mất tích ở Nam Trà My. Ảnh: Thanh Chung

Liên tiếp sạt lở khốc liệt ở miền Trung: Cảnh báo rồi nhưng không ai nghe?

Thùy Linh LDO | 29/10/2020 20:23

Mưa lũ dữ dội ở miền Trung, sạt lở đất đã và đang vùi lấp, lấy đi tính mạng của nhiều đồng bào ta. Theo các chuyên gia, chúng ta có thể dự báo được sạt lở đất để cảnh báo cho người dân, tránh những thiệt hại nặng nề, đau xót.

"Đưa ra bản đồ cảnh báo sạt lở, nhưng tỉnh Thừa Thiên - Huế không triển khai"

Trao đổi với báo Lao Động, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam đánh giá, tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung có thể được cảnh báo trước.

"Nếu càng mưa nhiều sẽ càng sạt trượt mạnh. Sông miền Trung ngắn và dốc, đất dốc và nhiều lớp sét.

Từ xưa đã có cảnh báo nếu xây dựng hồ chứa và đập tràn ở miền Trung thì phải cẩn thận vì đất không thấm nước, không đắp được vì không thấm nước nhưng đã không có nhiều nhà khoa học nghiên cứu về vấn đề này ở miền Trung, chỉ có Viện Địa chất và khoáng sản từng cảnh báo ở Thừa Thiên Huế"- GS Hồng chia sẻ.

Theo GS Hồng, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã từng lập bản đồ sạt lở ở Rào Trăng 3.

Các nhà khoa học đã nói, nhưng không ai nghe, không được ủng hộ.

"Sạt lở đất đã được cảnh báo rồi, Viện Nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản đã có báo cáo từ năm 2019, đến tháng 6.2020 đưa ra bản đồ sạt lở, nhưng tỉnh Thừa Thiên Huế không triển khai.

Từ dự báo cảnh báo của các chuyên gia, thì chúng ta phải đặt ra vấn đề chỗ nào sạt lở và bao giờ sạt lở để phòng tránh từ trước. Chúng ta đã mất nhiều người ở Rào Trăng 3. Rất đau xót"- GS Hồng nói.

Giáo sư Vũ Trọng Hồng lên tiếng cảnh báo về tình trạng sạt lở đất ở miền Trung. Ảnh: NVCC

Cũng theo Giáo sư Hồng, kinh nghiệm của các chuyên gia thế giới đã được chắt lọc thành tài liệu phòng chống thiên tai cần được các địa phương chú ý hơn.

"Các dấu hiệu cơ bản để nhận diện khu vực có khả năng sạt trượt như sau: Thứ nhất, nếu rừng cây nghiêng, thì đã có sự thay đổi bên trong. Thứ 2 là nhìn khe nứt, nếu khe mới thì đất đã có dịch chuyển. Thứ 3 là có nước rỉ ra tức là đất trong đó đã bão hòa nước...

Nếu thấy những đặc điểm đó, chúng ta cắm biển cấm, ngăn chặn từ đầu thì sẽ không có thiệt hại về người. Không đi kiểm tra, không nắm trước tình hình nên mới xảy ra hậu quả như vậy"- Giáo sư Hồng cho hay.

Năng lực dự báo yếu kém

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị các Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, phải có trách nhiệm, phải vào cuộc ngay từ đầu mùa lũ.

Hơn nữa, năng lực dự báo về thủy văn còn yếu, cần phải được đầu tư để phòng chống, dự báo thật tốt trước thiên tai, chứ không chỉ nặng về cứu hộ cứu nạn như hiện nay.

Cuối cùng, theo ông, nếu thiếu chuyên gia, thì chúng ta khó có thể phát triển được trong lĩnh vực phòng chống thiên tai. Phòng chống thiên tai không thể chỉ sử dụng sức mạnh được, mà phải sử dụng ý chí, tư duy, kiến thức.

"Tôi từng học được kinh nghiệm từ các chuyên gia Nga là khi hòn đá lăn thì chắc chắn sạt, phải hô mọi người chạy ngay. Hoặc khi con chim nó đang đậu ăn mà bay vụt đi, là đất sẽ rung chuyển. Đó là kinh nghiệm, không có sách nào viết, cán bộ của chúng ta buộc phải trau dồi kinh nghiệm đó.

Dự báo được khi nào và chỗ nào sạt lở 2 câu hỏi khó nhất. Dự báo về sạt lở đất không những đòi hỏi phải nghiên cứu về khoa học mà còn đòi hỏi cả kinh nghiệm"- ông khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn