MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rác thải nhựa đổ ra biển đang là vấn nạn với môi trưởng biển Việt Nam. Ảnh: PV

Môi trường biển tiếp tục bị đầu độc

THÔNG CHÍ LDO | 31/05/2019 19:00

“Môi trường biển tiếp tục biến đổi theo chiều hướng xấu và tiếp tục bị “đầu độc‟ liên quan tới phát triển kinh tế - xã hội. Ngày càng có nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển”.

Đó là đánh giá của GS Nguyễn Chu Hồi Thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF), Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tại hội nghị triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa diễn ra chiều 31.5

Đứng thứ 4 thế giới về ô nhiễm rác thải biển

Theo GS Chu Hồi, một số khu biển ven bờ và cửa sông bị ô nhiễm dầu, chất hữu cơ liên quan tới chất thải sinh hoạt và du lịch dẫn đến hiện tượng thuỷ triều đỏ xuất hiện ngày càng nhiều với quy mô rộng, ô nhiễm xyanua liên quan đến tình trạng đánh bắt hải sản, hàm lượng kẽm ở các khu vực đóng và sửa chữa tàu biển thường cao hơn liên quan tới “nhân độc tố kẽm” trong thành phần của sơn chống hà bám tàu thuyền.

Ông Chu Hồi nhận định, đây là sức ép lớn lên môi trường, hệ sinh thái và tài nguyên biển nước ta.

Ông Hồi nêu dẫn chứng, sơ bộ tính toán lượng chất thải rắn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của 28 tỉnh ven biển nước ta vào khoảng 14,03 triệu tấn/năm (khoảng 38.500 tấn/ngày).

Tại các tỉnh ven biển, hầu hết chất thải rắn công nghiệp đều tập trung chủ yếu tại các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm  và còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Các nghiên cứu đã chỉ ra, ngành công nghiệp nhẹ, hóa chất, luyện kim là các ngành phát sinh nhiều chất thải nguy hại nhất. Trong các ngành công nghiệp ven biển, các hoạt động hàng hải, đóng tàu là nguyên nhân không nhỏ gây nên ô nhiễm.

GS Nguyễn Chu Hồi Thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF), Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam . Ảnh: PV 

Ngoài ra, theo thống kê, trên 100 vụ tràn dầu do tai nạn tàu đã xảy ra trong 10 năm gần đây, chưa tính các vụ tràn dầu nhỏ gây ô nhiễm cục bộ. Những vụ tràn dầu từ xa không rõ nguồn gốc hoặc thải dầu cặn bất hợp pháp không được phát hiện sớm, theo gió mùa đều di chuyển về phía bờ biển Việt Nam.

Bên cạnh đó, ở vùng biển nước ta có khoảng 340 giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí, bên cạnh thải nước lẫn dầu với khối lượng lớn, hoạt động này còn phát sinh khoảng 5.600 tấn chất thải rắn, trong đó có 20-30 % là chất thải rắn nguy hại còn chưa có bãi chứa và nơi xử lý.

Bởi vậy, GS Chu Hồi nhận xét, Việt Nam đang đứng thứ 4 trên thế giới về ô nhiễm rác thải biển (marine debris). Đặc biệt là rác thải nhựa.

Và cái giá phải trả

Chính vì ô nhiễm biển đang trở nên trầm trọng nên kinh tế thủy sản và du lịch biển và nguồn lợi thuỷ hải sản đang giảm sút nghiêm trọng, thiếu bền vững.

GS Chu Hồi nêu, các hệ sinh thái biển quan trọng bị suy thoái, bị mất habitat và bị thu hẹp diện tích.. Rừng ngập mặn mất khoảng 15.000 ha/năm, khoảng 80% rạn san hô trong vùng biển Việt Nam nằm trong tình trạng rủi ro, trong đó 50% ở mức cao, tình trạng trên cũng diễn ra tương tự với thảm cỏ biển và các hệ sinh thái biển – ven biển khác.

“Trong vùng biển nước ta đã có khoảng 100 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau và trên 100 loài đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam.

Nguồn lợi hải sản có xu hướng giảm dần về trữ lượng, sản lượng và kích thước cá đánh bắt (trữ  lượng hải sản giảm 16%. Năng suất tôm nuôi quảng canh trong rừng ngập mặn bị giảm sút từ khoảng 200 kg/ha/vụ (năm 1980) đến nay chỉ còn 80 kg/ha/vụ, và 1 ha rừng ngập mặn trước đây có thể khai thác được khoảng 800 kg thuỷ sản, nhưng hiện nay chỉ thu được 1/20 so với trước”, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khái quát. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn