MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngôi nhà nơi xảy ra vụ việc một người tử vong khi thau rửa bể ngầm. Ảnh: N.T

Một người tử vong khi thau rửa bể ngầm: Chuyên gia đưa lời khuyên

N.H LDO | 24/10/2019 16:10

Trước khi thau rửa bể ngầm, người dân nên làm thoáng khí bể để giảm lượng khí CO2 trong bể.

Theo Phó GS-TS Trần Hồng Côn - nguyên giảng viên Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, bể ngầm được để sâu dưới đất, được nắp kín nên nồng độ, lượng khí CO2 quá cao, lượng khí Oxi quá thấp. Những người xuống thau rửa bể nếu bị nhiễm khí CO2 thì không nhận biết được nên không có khả năng thoát nạn. 

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, đối với giếng khơi, trước khi tiến hành thau rửa giếng khơi lâu ngày không dùng, thì trước hết phải làm thoáng, cho cành cây kéo lên kéo xuống nhiều lần rồi mới xuống thau rửa bể.

Còn đối với bể ngầm có khi để vài năm hoặc cả chục năm, nếu xuống ngay mà không có động tác làm thoáng trước thì rất dễ ngạt khí CO2. Tuy nhiên do miệng bể ngầm hẹp nên không thể dùng cách cho cành cây kéo lên kéo xuống nhiều lần như giếng khơi.

PGS-TS Trần Hồng Côn đưa lời khuyên, trước khi xuống thau rửa bể cần mở nắp bể một thời gian ít nhất 30 phút, dùng quạt làm thoáng. "Do CO2 nặng hơn không khí nên nếu để không thì khí này không tự thoát đi được, do đó có thể dùng quạt để làm thoáng nó để CO2 bay đi, cho Oxi bay vào". 

Trước đó, như Lao Động đã đưa tin, ngày 22.10, khi đang thau rửa lại bể nước ngầm của gia đình, anh N.V.A (ngụ tại  Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã không may tử vong.

Thời gian này cũng là thời gian nhiều hộ gia đình cho thau rửa bể nước sau sự cố nước sông Đà bị ô nhiễm, do đó các chuyên gia khuyến cáo người dân nên lưu ý, thực hiện đúng các bước, quy trình để không gặp phải sự cố đáng tiếc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn