MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm 2022, Đà Nẵng phân loại được hơn 1.700 tấn rác tài nguyên. Ảnh: Thuỳ Trang

Năm 2022, Đà Nẵng phân loại được hơn 1.700 tấn rác tài nguyên

THUỲ TRANG LDO | 29/12/2022 09:53

Trong năm 2022, Đà Nẵng có hơn 1.717 tấn rác tài nguyên được thu gom, tái chế, thu được tổng số tiền trên 4 tỉ đồng. Bước đầu, nhận thức về việc phân loại rác thải tại nguồn dần hình thành trong cộng đồng dân cư với nhiều mô hình tái chế, phân loại rác được ra đời.

Bà Nguyễn Thị Kim Hà – Phó Chi cục trưởng, Chi cục bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại được thu gom, tái chế năm 202 là hơn 1.717 tấn rác tài nguyên được thu gom.

Ngoài ra, Đà Nẵng còn có khối lượng rác nguy hại được thu gom sau phân loại là khoảng 330.922 kg, chủ yếu là pin, bóng đèn. Tổng khối lượng chất thải rắn xây dựng và rác cồng kềnh, kích thước lớn khoảng 5.082 tấn .

 Việc phân loại rác tại nguồn, rác tái chế được cộng đồng hưởng ứng với nhiều mô hình. Ảnh: Thuỳ Trang

Theo số liệu được UBND các quận huyện và các hội đoàn thể tổng hợp,  tính đến năm 2022, khoảng 89,46% số hộ gia đình, 88,91% số tổ dân phố , 226/226 trường học chiếm tỷ lệ 100%, 79,69% cơ sở, sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn và 100% cơ sở y tế đã thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

“Mặc dù đây là những số liệu cần rà soát, đánh giá lại nhưng có thể thấy thời gian qua, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, đồng thuận rất cao từ người dân, cộng đồng dân cư.

Tuy chưa ở mức tuyệt đối (100%), từ khu dân cư, phường, xã, quận, huyện, rồi các sở, ban, ngành đều đã có nhận thức và lên kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt ngay tại nguồn. Do vậy, chúng ta càng nỗ lực hơn, duy trì ở mức tốt hơn, một hoạt động rất có ý nghĩa đối với bảo vệ môi trường đã có, và đã hình thành nề nếp” -  bà Hà phân tích.

Dù vậy, ngành Tài nguyên Môi trường cũng chỉ ra rằng, có một thực tế là các nhóm chất thải sau phân loại và khi thu gom vẫn còn trộn lẫn, chưa thể phân loại và thu gom riêng tương ứng từng hình thức xử lý. Điều này làm lãng phí tài nguyên và có thể gây thêm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe và cũng vì vậy, chất thải tái chế tại các bãi chôn lấp vẫn còn ở tỷ lệ cao…

Tương tự, các loại chất thải nguy hại phát sinh từ nông nghiệp như bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật… hiện nay đã được thu gom trên đồng ruộng, đưa vào các bì chứa, nhưng chưa thực hiện tiêu hủy, xử lý triệt để.

Về công nghệ xử lý rác thải của thành phố, hiện nay chỉ mới có 1 giải pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Các dự án xử lý với công nghệ khác từ nay đến năm 2025 mới xác định đầu tư, vận hành. Do đó, hiện tại chưa thể quyết định các thành phần chi tiết rác thải đối với chất thải thực phẩm và nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác.

Tiến độ đầu tư của các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt ảnh hưởng rất lớn đến quyết định về các thành phần rác khác cần triển khai phân loại ở thành phố...

Trước những hạn chế, khó khăn trên, lãnh đạo Chi cục bảo vệ môi trường Đà Nẵng cũng chia sẻ: “Chúng tôi đang nghĩ đến mô hình thí điểm mỗi Quận chọn 1 Phường, mỗi Ngành chọn 1 đơn vị, tổ chức và thử phân loại triệt để, đồng bộ như yêu cầu của Luật, rút kinh nghiệm để triển khai diện rộng. Hy vọng khi đã có mô hình, sẽ dễ đưa đến một phương thức chung phù hợp cho cộng đồng, cho nhiều ngành”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn