MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ nhiều năm qua, cứ đến vụ dong riềng là dòng sông Nậm Rốm lại chuyển sang màu đen kịt và bốc mùi nồng nặc. Ảnh: PV

Nan giải tình - lý trong vụ các cơ sở dong riềng gây ô nhiễm ở Điện Biên

NHÓM PV LDO | 27/11/2023 09:40

Nhiều năm qua, vấn đề ô nhiễm môi trường từ cơ sở chế biến dong riềng tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, khiến dư luận bức xúc.

Giữa "tình" và "lý"

Từ đầu tháng 11 vừa qua, Báo Lao Động đã có loạt bài phản ánh về việc xả thải ra môi trường của các cơ sở chế biến dong riềng hoạt động trái phép tại TP Điện Biên Phủ gây tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trao đổi với PV Báo Lao Động ông Hoàng Hữu Côn - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, TP Điện Biên Phủ cho biết, vấn đề các cơ sở chế biến dong riềng gây ô nhiễm môi trường đã tồn tại từ nhiều năm qua. Do vậy vấn đề khó khăn nhất hiện nay là tìm ra giải pháp xử lý.

"Bây giờ làm chặt thì sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người dân và người sản xuất dong riềng. Nếu mà không làm chặt thì ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, sinh thái. Mặc dù thành phố đã họp bàn nhiều rồi nhưng vẫn rất là khó để đưa ra giải pháp" - ông Hoàng Hữu Côn cho hay.

Nước thải từ hầu hết các cơ sở chế biến dong riềng được xử lý sơ sài, thậm chí xả thẳng ra môi trường. Ảnh: PV

Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích trước mắt

Năm 2022, Báo Lao Động đã có loạt bài phản ảnh về tình trạng các cơ sở chế biến dong riềng tại TP Điện Biên Phủ gây ô nhiễm nghiêm trọng khiến nước trên dòng sông Nậm Rốm đen kịt, bốc mùi hôi thối và bủa vây TP Điện Biên Phủ.

Sau đó, tại cuộc họp báo do Sở TTTT, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên tổ chức, lãnh đạo các sở, ngành liên quan; Phòng cảnh sát Điều tra tội phạm về môi trường Công an tỉnh Điện Biên và TP Điện Biên Phủ đã tập trung giải trình làm rõ.

Giải thích về vấn đề ô nhiễm đã tồn tại nhiều năm, các đơn vị liên quan cho rằng đã nhiều lần xử lý nhưng chưa giải quyết dứt điểm được vì ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn.

Về giải pháp lâu dài, đại diện lãnh đạo UBND TP Điện Biên Phủ cho biết sẽ nghiên cứu để thành lập khu chế biến dong riềng tập trung để vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường vừa đảm bảo việc tiêu thụ nông sản cho người dân.

Một đoạn sông Nậm Rốm tại TP Điện Biên Phủ nước chuyển màu đen kịt. Ảnh: PV

Ý tưởng thành lập khu chế biến đã có, nhưng việc thành lập khu chế biến tập trung vẫn chưa thể thực hiện.

Mặt khác, theo tìm hiểu của phóng viên, đã có những cơ sở tự đầu tư hàng tỉ đồng để xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nhưng đến nay cũng chưa được cấp giấy phép môi trường.

Điển hình như gia đình ông Phạm Duy Hưng đã đầu tư khoảng 2 tỉ đồng, gia đình ông Lò Văn Pâng đầu tư gần 1 tỉ đồng cho hệ thống xử lý chất thải nhưng cũng chưa được cấp phép.

Đó cũng là nguyên nhân khiến hàng loạt cơ sở khác không đầu tư hệ thống xử chất thải và chấp nhận bị xử phạt.

Trước đó, ngày 9.11, trao đổi với PV Báo Lao Động về nội dung này, ông Trần Quý Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ cũng cho biết, cây dong riềng không nằm trong định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của thành phố mà chủ yếu do người dân trồng tự phát.

Cây dong riềng không được khuyến khích trồng trong phát triển nông nghiệp, tuy nhiên nhiều người dân vẫn chọn trồng cây này vì ít phải đầu tư chăm sóc. Ảnh: PV

"Hơn nữa, cây dong riềng mỗi năm chỉ thu hoạch 1 lần và việc chế biến chỉ kéo dài trong khoảng 2-3 tháng. Do vậy, việc bỏ ra vài chục tỉ đồng để xây dựng khu chế biến tập trung là rất khó" - ông Hùng cho hay.

Về giải pháp xử lý các cơ sở chế biến gây ô nhiễm, ông Trần Quý Hùng cũng cho rằng, từ nhiều năm qua, hầu hết các cơ sở chỉ tập trung vào khai thác lợi nhuận mà không chịu đầu tư hệ thống xử lý chất thải khiến cho tình trạng ô nhiễm năm nào cũng diễn ra, gây bức xúc trong dư luận.

Theo ông Hùng, sau khi tiến hành kiểm tra, đánh giá toàn diện, thành phố sẽ phân loại và đưa ra giải pháp cụ thể. Quan điểm của thành phố là cơ sở nào đã đầu tư hệ thống xả thải, đảm bảo theo quy định thì phải được cấp phép môi trường để hoạt động.

"Còn đối với các cơ sở chế biến dong riềng đã bị nhắc nhở và xử phạt nhiều lần nhưng vẫn không đầu tư hệ thống xử lý chất thải thì sẽ phải xử lý nghiêm. Không thể để tình trạng ô nhiễm kéo dài mãi từ năm này qua năm khác" - ông Hùng khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn