MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hành trình cõng nước về nhà của đồng bào Mông nơi vùng cao núi đá Hà Giang. Ảnh: Văn Tùng

Nan giải vấn đề thiếu nước tại vùng cao Hà Giang

Văn Tùng LDO | 23/04/2024 11:30

Thời điểm này đang là cao điểm mùa khô hạn tại các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang. Khi những nguồn nước dự trữ đã cạn khô, đồng bào bắt đầu một hành trình tìm nước đầy gian nan trên những núi đá.

Đều đặn từ hơn 3 tháng nay, một ngày mới với chị Sùng Thị Lý ở thôn Sà Lủng, xã Pải Lủng (huyện Mèo Vạc) bắt đầu vào lúc gần 5h cùng với những tiếng gọi nhau đi lấy nước của các chị em trong thôn. Hành trang không gì khác ngoài những chiếc can nhựa gùi trên lưng.

Men theo con đường mòn lởm chởm đá tai mèo khi trời còn chưa sáng rõ, tiếng nói cười của những người phụ nữ Mông vẫn rộn ràng dù điểm lấy nước tận trên núi cách thôn hơn 2km. "Mùa đông thì đi muộn hơn chút, nhưng bây giờ gần hè nóng rồi nên phải đi sớm cho khỏi nắng, lấy được nước về tới nhà trời đã sáng còn cho con bò, con lợn nó uống nữa" - chị Lý chia sẻ.

Khu vực có nước là một mạch nước ngầm chảy từ núi ra và khá khó lấy. Nhưng khi nước ở những hồ treo đã cạn khô đồng bào trên vùng cao núi đá này không còn lựa chọn nào khác. Chị Lý tiếp câu chuyện: "Mỗi ngày lấy 2 can nhựa với gần 40 lít nước đủ cho những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu và phải rất tiết kiệm".

Cách đó hơn chục kilômét, chị Vừ Thị Sùng - thôn Đề Chia xã Cán Chu Phìn - đang xuống từng bậc đá, một tay cầm can nhựa, tay kia cầm chiếc ca nhỏ để múc nước. "Nước không nhiều đâu, mọi người chia nhau mà lấy thôi, nhiều lúc hết nước sẽ phải ngồi đợi để nước chảy ra. Một ngày lấy 2 lần vào sáng sớm và chiều muộn, cả thôn 23 hộ dân thì đều phải đi lấy nước thế này, mùa khô hạn mà, vất vả lắm" - chị Sùng chia sẻ.

Ông Vàng Mí Trạ - Chủ tịch UBND xã Cán Chu Phìn - cho biết, trên địa bàn có 3 hồ treo, gần như các hồ đều trong tình trạng cạn trơ đáy do mưa ít, kéo dài. Để có nước sinh hoạt người dân buộc phải tìm tới nguồn nước từ các khe núi, mạch ngầm nhưng cũng rất hạn chế. Thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất đã trở thành vấn đề nan giải của vùng núi đá này.

Trên toàn huyện Mèo Vạc hiện có 29 hồ treo đã đưa vào sử dụng, bình quân mỗi hồ có thể tích 5.000m3, cấp nước cho từ 500 - 1.000 hộ/hồ treo. Tuy nhiên, địa hình chủ yếu núi đá, sông suối, nước ngầm hạn chế, trong khi lượng mưa hằng năm không lớn, dẫn đến tình trạng các hồ thường khô cạn vào thời điểm từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Tú - Bí thư huyện Mèo Vạc - cho hay, mặc dù Nhà nước luôn dành sự quan tâm đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt và hỗ trợ các dụng cụ trữ nước cho người dân. Song hầu hết hệ thống hồ treo không có nguồn nước dẫn vào hồ do địa hình núi đá, nguồn nước rất hạn chế.

"Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân, chính quyền địa phương rất cần sự quan tâm, đầu tư đồng bộ của các cấp, ngành cũng như sự hỗ trợ bà con của các đơn vị, nhà hảo tâm” - ông Phạm Văn Tú đề nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn