MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu gom, tái chế, xử lý rác thải giúp bảo vệ môi trường. Ảnh Thuỳ Trang

Nâng cao trách nhiệm tái chế, thu gom xử lý chất thải của doanh nghiệp

Bảo Bình LDO | 18/08/2023 12:08

Ngày 18.8, tại Hà Nội, diễn ra Hội thảo "Tập huấn thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường" do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổ chức.

Hội thảo nhằm tập huấn, giải đáp và hỗ trợ các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện và tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Theo đó, trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường (Điều 54, Điều 55); Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10.1.2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Chương VI); Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10.1.2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Điều 78, Điều 79).

Về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì, theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường, nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm săm lốp, dầu nhớt, pin, ắc quy và bao bì (thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chất tẩy rửa, chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế và xi măng) sẽ phải thực hiện từ ngày 1.1.2024; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện và điện tử sẽ phải thực hiện từ ngày 1.1.2025; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm phương tiện giao thông sẽ phải thực hiện từ ngày 1.1.2027.

Với trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải, nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm pin dùng một lần, tã lót, bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần, kẹo cao su, thuốc lá, một số sản phẩm có thành phần nhựa tổng hợp như quần áo, đồ chơi trẻ em, đồ da, túi, giày, dép, nhựa dùng một lần.v.v... và bao bì (thuốc bảo vệ thực vật) sẽ phải thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải từ ngày 1.1.2022.

Tại Hội thảo, nhiều Hiệp hội, doanh nghiệp đã đặt các câu hỏi cho phía Vụ Pháp chế - Bộ TNMT và Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia về các vấn đề liên quan đến trách nhiệm thu gom, tái chế của các doanh nghiệp. Cùng với đó là kiến nghị điều chỉnh một số quy định chưa hợp lý trong dự thảo Quyết định định mức chi phí tái chế (Fs).

Ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TNMT phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Bảo Bình

Tại Hội thảo, ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TNMT cho biết, mục tiêu của Hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu rõ về Quyết định định mức chi phí tái chế, cách thực hiện hiệu quả cho doanh nghiệp.

"Mặc dù các doanh nghiệp là đối tượng áp dụng quy định này, nhưng hiện nay nhiều hiệp hội, doanh nghiệp vẫn chưa nắm bắt rõ, tiếp cận còn hạn chế. Mục đích của hội thảo là phổ biến và cập nhập cho các doanh nghiệp tham gia về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì; trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải. Qua đó, chúng tôi cũng kiến nghị các hiệp hội, đặc biệt là các cái hiệp hội ngành hàng, nhà sản xuất, tái chế có sự phối hợp với Bộ TNMT tổ chức truyền thông, cập nhập những quy định mới để các doanh nghiệp thành viên nắm bắt và thực hiện quy định này", ông Hùng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn