MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quy hoạch vùng ĐBSCL cũng như mọi định hướng cho phát triển của vùng này phải làm sao để “Bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng và bảo vệ môi trường”. Trong ảnh là người dân ở tỉnh Hậu Giang đang chăm sóc lúa. Ảnh: Thành Nhân

Nghị quyết "Thuận thiên": Hóa giải thách thức, phát triển bền vững ĐBSCL

Nguyễn Hà LDO | 10/03/2021 12:31

Sau 3 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 120/NQ-CP (hay còn gọi Nghị quyết thuận thiên) đã từng bước phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, ngành, địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), được người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia hưởng ứng, đồng thời huy động được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển.

Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu là chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, với nhiều chủ trương, chính sách phát triển để phát huy tiềm năng, lợi thế tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là Nghị quyết thể hiện tầm nhìn chiến lược với chủ trương phát triển “thuận thiên” để chủ động hóa giải các thách thức do biến đổi khí hậu và các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mê Công, tận dụng tiềm năng, thế mạnh, tạo xung lực mạnh mẽ cho phát triển ĐBSCL.

Dù thời gian triển khai thực hiện chưa dài, nhưng đến nay đã đạt được một số kết quả ban đầu rất quan trọng.

Kiến tạo thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo một tổng thể thống nhất, kết nối liên vùng tạo sức mạnh tổng hợp

Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo 4 lĩnh vực chính: i) Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng; ii) Hạ tầng và kỹ thuật môi trường; iii) Nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; iv) Chế biến thực phẩm và các dịch vụ vận tải (logistics) liên quan.

Qua đó góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, tăng cường liên kết 4 nhà (nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà khoa học và nhà nông) để nâng cao chuỗi giá trị, tạo chỗ đứng cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường thế giới; sửa đổi chính sách đất đai gỡ các nút thắt nhằm tạo cơ chế thông thoáng thu hút đầu tư. Ban hành Khung hành động đổi mới cơ chế, chính sách đối với vùng ĐBSCL làm căn cứ để thu hút các nguồn lực hỗ trợ cho việc xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL.

Chủ động trong quan trắc, giám sát khí hậu, tài nguyên nước, dự báo thời tiết phục vụ việc chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp với bối cảnh biến động phức tạp về thời tiết, khí hậu và nguồn nước

Trong các đợt hạn mặn năm 2020 đã triển khai xây dựng 10 điểm nguồn cấp nước khẩn cấp với tổng công suất xử lý và cung cấp là 3.700 m3/ngày đêm, cung cấp được cho 62.000 người ở 7 tỉnh chống hạn, mặn cho ĐBSCL.

Sản xuất nông nghiệp bước đầu được chuyển đổi theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, phù hợp với chủ trương tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa.

Tổng diện tích gieo trồng lúa vùng ĐBSCL là 4,19 triệu ha, chiếm 54,3% diện tích cả nước; chúng ta đã xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới (gạo ST25 liên tục đứng vị trí thứ nhất, thứ nhì về sản phẩm gạo ngon nhất thế giới, được sản xuất ở nhiều tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang..).

Tập trung khai thác tiềm năng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo: Nhà máy điện gió Bạc Liêu 1 và 2 đã hoàn thành, khởi công và triển khai các nhà máy điện gió, điện mặt trời tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Long An..., đưa vào vận hành nhà máy điện bã mía Sóc Trăng 12MW và đang xây dựng nhà máy điện trấu Sóc Trăng 25MW, Nhà máy điện rơm rạ Sóc Trăng 10MW.

Tăng cường đầu tư, quy hoạch hạ tầng kết nối vùng và với thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ

Nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đầu tư thực hiện với tổng số vốn Trung ương đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL đã được giao giai đoạn 2016-2020 là 29.426 tỷ đồng. Đến nay đã hoàn thành tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi kết nối Cần Thơ với Kiên Giang; nhiều công trình, dự án trọng điểm đã được phê duyệt và triển khai như: cầu Rạch Miễu 2, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn từ thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, Sóc Trăng, tuyến tránh quốc lộ 1A qua thành phố Cà Mau…

Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã được quan tâm đầu tư, đặc biệt là các hoạt động xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt khu dân cư và cải tạo cảnh quan, hỗ trợ nguồn lực, thiết bị bảo vệ môi trường.

Ngày 13.3 tới đây, hội nghị của Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (hay còn gọi Nghị quyết thuận thiên) sẽ diễn ra tại thành phố Cần Thơ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn