MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đã ghi nhận tổng cộng 48 trận động đất từ đầu năm đến nay. Ảnh: Đức Nhật

Người dân Kon Tum, Quảng Ngãi bất an vì nhà cửa liên tục rung lắc do động đất

Lê Nguyên - Viên Nguyễn LDO | 19/03/2024 17:12

Mặc dù tâm chấn động đất xảy ra ở huyện Kon Plong tỉnh Kon Tum nhưng người dân ở huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi vẫn bất an bởi những đợt rung lắc xảy ra cả ngày lẫn đêm.

Người dân lo lắng

Từ ngày 5 đến 19.3, Viện Vật lý địa cầu phát đi 25 bản tin động đất ở huyện Kon Plông, Kon Tum. Tâm chấn ở Kon Tum nhưng người dân huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi cũng ảnh hưởng.

Mới nhất, trưa 19.3, một trận động đất có độ lớn 3,0 richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.919 độ vĩ Bắc, 108.248 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.

Chị Nguyễn Thị Nga - giáo viên ở xã Sơn Long (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) - chia sẻ, liên tiếp nhiều ngày qua, nhiều khu vực trên địa bàn xã bị ảnh hưởng bởi động đất ở huyện Kon Plong (giáp ranh với xã Sơn Long). Rung lắc mạnh nhất xảy ra vào đêm 16.3 và đêm 17.3.

"Những đợt rung lắc xảy ra khoảng 5 giây, sau đó dừng, rồi tiếp tục rung lắc, khiến nhiều đồ đạc sinh hoạt trong nhà tôi bị rơi xuống đất, khiến cả nhà lo lắng nên chạy ra khỏi nhà, chừng vài phút sau mới dám vào lại trong nhà tá túc”- chị Nga kể lại.

Đây không phải là lần đầu tiên nhiều xã ở huyện Sơn Tây bị ảnh hưởng bởi động đất, bởi trong nhiều năm qua, động đất xảy ra thường xuyên, nên người dân không quá bất ngờ. Tuy nhiên, bà con vẫn lo lắng, động đất nhiều sẽ gây nứt nhà cửa...

Bị ảnh hưởng bởi động đất, điểm trường mầm non ở thôn Mang Hin (xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) bị nứt tường. Ảnh: Nga Nguyễn

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Thanh Vượt - Chủ tịch UBND xã Sơn Long - cho biết, nhiều ngày qua, nhiều nhà cửa trên địa bàn xã bị rung lắc bởi ảnh hưởng của động đất ở huyện Kon Plong. Có một nhà bị hư hỏng mái nhà, nhưng đã khắc phục xong. Huyện cũng yêu cầu xã báo cáo thiệt hại do ảnh hưởng của động đất, tuy nhiên, do thiệt hại không lớn nên xã tạm thời chưa báo cáo.

Ông Đỗ Thanh Vượt cũng cho hay, vì liên tục xảy rung lắc do động đất, nên xã cũng tập trung tuyên truyền cho người dân cách ứng phó trước các tình huống xảy ra động đất, phần nào giúp người dân yên tâm hơn.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Trân - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi - cho hay, huyện đã tiếp nhận thông tin từ người dân xã Sơn Long và Sơn Dung về việc nhà cửa bị nứt do động đất. Địa phương đang xác minh thông tin phản ánh của người dân về việc nhà cửa bị hư hỏng từ dư chấn động đất xảy ra ở huyện Kon Plông, Kon Tum.

"Về lâu dài, huyện cũng mong các cơ quan chức năng của Trung ương phân tích rõ nguyên nhân động đất ở Kon Tum, dư chấn rung lắc sang Quảng Ngãi, để chính quyền và cả người dân nắm thông tin, chủ động ứng phó, nhất là mùa mưa bão đang cận kề"- ông Trân nói.

Huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum): 48 trận động đất từ đầu năm đến nay

Theo thống kê của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu, từ ngày 1.2 - 18.3.2024, trên địa bàn huyện Kon Plông xảy ra tổng cộng 48 trận động đất.

Theo đó, trong giai đoạn tháng 1.2024, huyện Kon Plông đã ghi nhận 5 trận động đất, trận lớn nhất có độ lớn 2,7 độ Richter. Tuy nhiên, đến giai đoạn tháng 2, huyện ghi nhận đến 18 trận động đất và con số này tăng lên 25 trận vào giai đoạn giữa tháng 3. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu cũng ghi nhận hai trận có cường độ lên đến 4 độ Richter vào ngày 7.2 và 5.3, độ sâu chấn tiêu đều khoảng 8,1 km.

Mặc dù chưa có ghi nhận thiệt hại về người và tài sản do động đất gây ra, tuy nhiên đã gây ra tâm lý lo lắng, bất an cho người dân trên địa bàn.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lê Thành Diễn - Trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kon Plông - cho biết, đã phối hợp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Viện Vật lý Địa cầu để ứng phó với động đất như thực hiện nhiều buổi tập huấn, thực hiện nâng cao năng lực cán bộ công tác phòng chống thiên tai của huyện và lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã. Phòng cũng đang thực hiện các biện pháp cần thiết giúp người dân trên địa bàn nhận biết, tránh tâm lý hoang mang để yên tâm sản xuất, sinh sống trước hàng loạt các trận động đất gần đây.

Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông chia sẻ, hiện tại, vẫn chưa ghi nhận thiệt hại của bà con nông dân. Phòng cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng để hướng dẫn người dân phòng chống chống thiên tai, tránh trường hợp gây thiệt hại về người và hoa màu.

Trước đó, chỉ trong 3 ngày từ 16 - 18.3, trên địa bàn huyện Kon Plông liên tiếp xảy ra 10 trận động đất với độ lớn từ 2,6 đến 3,9 độ Richter. Cấp độ rủi ro thiên tai đều ở cấp độ 0.

Tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các cơ quan phối hợp lắp đặt nhiều quan trắc theo dõi sát sao diễn biến của động đất, tránh trường hợp xấu xảy ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn