MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy nước sạch nông thôn Hồng Thái Tây có vốn đầu tư 50 tỉ đồng từ nguồn vốn ODA. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Người dân vẫn không mặn mà sử dụng

NGUYỄN HÙNG LDO | 05/12/2019 08:44
Để đưa nước sạch về nông thôn, từ năm 2014 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã đưa 10 nhà máy nước sạch vào hoạt động, với tổng số vốn 330 tỉ đồng từ nguồn vốn ODA. Tuy nhiên, tất cả các nhà máy càng hoạt động thì càng lỗ bởi người dân sử dụng rất ít do tận dụng nhiều nguồn nước khác nhau nước mưa, giếng khoan, giếng ngầm…

Thu không đủ chi

Nhà máy nước sạch nông thôn tại xã Hồng Thái Tây được xây dựng để phục vụ nước sạch cho khoảng 3.000 hộ dân thuộc 2 xã Hồng Thái Tây và Hồng Thái Đông, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Nhà máy này có vốn đầu tư khoảng 50 tỉ đồng - là một trong những nhà máy có giá trị đầu tư lớn nhất trong 10 nhà máy nước sạch nông thôn được xây dựng bằng vốn vay ODA tại Quảng Ninh.

Tuy nhiên, hiện, mỗi tháng tổng doanh thu bán nước sạch cho dân 2 xã trung bình chỉ đạt khoảng 60 triệu đồng. Với giá 5.500 đồng/m2, như vậy, hơn 3.000 hộ dân chỉ dùng khoảng 10.000m3. Theo ông Lại Văn Bốn - cán bộ phụ trách tổ chống thất thoát nước của các nhà máy nước sạch nông thôn tại Quảng Ninh, có những hộ chỉ dùng 2-3m3/tháng, nhưng nhân viên nhà máy tới nhà vài lần mới thu được tiền.

Một số hộ dân ở đây cho biết, trong khi vẫn còn tận dụng được nguồn nước mưa, nước giếng khơi, nước giếng khoan thì không dại gì chỉ dùng nước máy.

“Mùa khô lượng nước máy sử dụng có tăng đôi chút, nhưng không đáng kể. Những hộ ở gần rừng, chân đồi - nơi có nguồn nước ngầm tốt thì họ chỉ mắc đường ống nước sạch để đề phòng nguy cơ thiếu nước sau này, chứ cơ bản họ không dùng. Thậm chí, nhiều đơn vị công lập cũng tận dụng nước mưa, nước giếng để giảm chi phí dùng nước sạch” - ông Bốn cho biết.

Doanh thu ít ỏi như vậy, nhưng mỗi tháng riêng tiền điện của nhà máy này lên tới khoảng 45 triệu đồng; chưa kể tiền lương cho 6 công nhân (khoảng 3 triệu đồng/người/tháng) và công tác bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ…

Ở một số nhà máy nhỏ khác, tình cảnh còn thảm hơn, khi hàng nghìn hộ dân nhưng doanh thu chỉ đạt khoảng 4 triệu đồng/tháng, trong khi riêng tiền điện lên tới 10 triệu đồng/tháng.

Thua lỗ vẫn phải hoạt động

Theo ông Nguyễn Việt Anh - Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, Sở NNPTNT Quảng Ninh, đơn vị quản lý 10 nhà máy nước sạch trên - đây là tình trạng chung của các nhà máy nước sạch sử dụng vốn ODA tại Quảng Ninh và có lẽ cũng như trên toàn quốc.

Dù lỗ lớn, nhưng các nhà máy vẫn phải hoạt động để cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn, với hy vọng và cũng là mục tiêu của Nhà nước: Người dân sẽ chuyển sang dùng nước máy an toàn, vệ sinh.

Để các nhà máy này hoạt động, tỉnh Quảng Ninh vẫn phải dùng ngân sách để bù lỗ, trả lương cho công nhân.

Theo ông Việt Anh - đến nay, Sở NNPTNT Quảng Ninh đã bàn giao 4 nhà máy ở khu vực miền Đông về cho các đơn vị thủy lợi quản lý, tuy nhiên ngân sách nhà nước vẫn phải bù lỗ. Một số nhà máy khác đang lên phương án bán đấu giá nhưng ít ai mặn mà vì hoạt động không hiệu quả.

“Ngay cả Cty CP nước sạch Quảng Ninh, dù Nhà nước vẫn giữ tới trên 90% vốn, cũng không dám nhận lại các nhà máy này. Các nhà đầu tư tư nhân thì càng khó. Tỉnh có khá nhiều cơ chế ưu đãi, như hỗ trợ 45% vốn đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch ở vùng nông thôn và 90% nếu đầu tư ở vùng miền núi - nghĩa là đầu tư nhà máy 10 tỉ thì sẽ được tỉnh hỗ trợ 9 tỉ. Tuy nhiên, đến nay không thu hút được nhà đầu tư nào vì không nhìn thấy khả năng hoàn vốn. Họ chỉ quan tâm đến các đô thị - nơi có lượng khách hàng cao, dùng nhiều” - ông Việt Anh cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn