MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy gạch của Công ty TNHH Duyên Hùng tại Bản Bánh, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên hoạt động giữa khu dân cư. Ảnh: Thanh Bình

Nhà máy gạch giữa khu dân cư vẫn ngang nhiên xả khói thách thức dư luận

NHÓM PV LDO | 21/03/2023 12:56

Điện Biên - Sau khi Báo Lao Động có bài phản ánh về nhà máy gạch giữa khu dân cư gây ô nhiễm và có nhiều dấu hiệu sai phạm thì nhà máy này vẫn tiếp tục ngang nhiên hoạt động trái phép, thách thức dư luận. 

Ngày 10.3, Báo Lao Động đã có bài phản ánh "Nhà máy gạch quy mô lớn ngang nhiên tồn tại giữa khu dân cư". Theo đó, nhà máy gạch của Công ty TNHH Duyên Hùng được xây dựng giữa khu dân cư (tại Bản Bánh, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường khiến người dân vô cùng bức xúc. 

10 ngày sau, UBND huyện Điện Biên đã có những phản hồi về những thông tin phản ánh.

Ông Nguyễn Ngọc Đăng - Phó trưởng phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT) huyện Điện Biên cho biết: "Chúng tôi chỉ được giao nhiệm vụ làm việc với những người dân liên quan đến ý kiến phản ánh trong bài báo. Qua xác minh, thông tin Báo Lao Động phản ánh về bức xúc của người dân là khách quan, trung thực và chính xác".

Về những dấu hiệu sai phạm của nhà máy gạch, ông Đăng cho rằng, đến thời điểm hiện tại, nhà máy này đã đầy đủ các thủ tục về xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và giấy phép môi trường nên không có cơ sở để kiểm tra.

Khu chứa nhiên liệu của nhà máy gạch chỉ cách nhà dân 1 bức tường.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Minh Lượng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên lại khẳng định nhà máy gạch của Công ty TNHH Duyên Hùng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hoàn tất các thủ tục về xây dựng.

Theo quy định, sau khi hoàn thành các nội dung về xây dựng, nhà đầu tư phải báo cáo về Sở Xây dựng, sau đó Sở Xây dựng sẽ tiến hành đánh giá, nghiệm thu, nếu đảm bảo các điều kiện an toàn và đúng như hồ sơ thiết kế thì nhà máy mới được hoạt động.

"Đến thời điểm hiện tại, Sở Xây dựng chưa nhận được báo cáo hoàn thành về việc xây dựng nhà máy gạch của Công ty TNHH Duyên Hùng, do đó chưa có cơ sở để nghiệm thu". - ông Nguyễn Minh Lượng khẳng định.

Ông Nguyễn Ngọc Đăng - Phó trưởng phòng TNMT huyện Điện Biên còn cho biết, nhà máy gạch này đã nhiều lần bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt với số tiền trên 100 triệu đồng.

Cụ thể, tháng 6.2022 đoàn kiểm tra của huyện Điện Biên đã phát hiện nhà máy gạch của Công ty TNHH Duyên Hùng chưa có giấy phép xây dựng, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chưa được cấp phép điểm mỏ khai thác đất làm nguyên liệu.

Nhà máy gạch vẫn ngang nhiên hoạt động khi chưa hoàn thiện các thủ tục về xây dựng.

“UBND huyện đã ra các quyết định xử phạt, yêu cầu nhà máy dừng hoạt động. Đến nay, Công ty TNHH Duyên Hùng đã đủ điều kiện xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và có giấy phép môi trường. Tuy nhiên, chưa được cấp phép mỏ đất làm nguyên liệu” - ông Đăng nói.

Về việc cấp giấy phép môi trường cho nhà máy gạch giữa khu dân cư khi khoảng cách từ nhà máy đến các hộ dân rất gần, ông Đăng cho rằng: "Do UBND tỉnh Điện Biên đã chấp thuận chủ trương đầu tư nên phải cấp giấy phép môi trường cho nhà máy. Về khoảng cách từ nhà máy đến nhà dân thì trong Luật không quy định" - ông Đăng cho biết thêm.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Lao Động, Tiến sĩ luật Nguyễn Văn Phương - Giảng viên Đại học Luật Hà Nội (chuyên gia có trên 30 năm giảng dạy về lĩnh vực môi trường) cho rằng, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường hiện nay thì việc xây dựng nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm trong khu dân cư phải có khoảng cách an toàn.

Hàng chục hộ dân phải chịu tác động từ khói bụi từ nhà máy gạch.

Theo đó, tại điểm c, d, khoản 2, Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có chất độc hại đối với người và sinh vật; có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người thì phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư.

Còn tại điểm d, khoản 2, Điều 52 Nghị định 08 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường "Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng mà thuộc đồng thời từ hai trường hợp trở lên theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường thì phải áp dụng giá trị khoảng cách lớn nhất" - ông Phương cho biết thêm. 

Như vậy, có thể thấy, với việc cho phép đặt nhà máy gạch có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư và cấp phép môi trường không căn cứ vào khoảng cánh an toàn tối thiểu theo quy định đang đặt ra các vấn đề về tính tính pháp lý và minh bạch của dự án này.

Ông Nguyễn Tiến Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên

"Huyện Điện Biên đang tiếp tục yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra, báo cáo các vấn đề liên quan đến nhà máy gạch để UBND huyện có căn cứ trả lời báo và các đơn vị liên quan".


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn