MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thi công xây bờ kè kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên qua quận Gò Vấp. Ảnh: Minh Quân

Những dòng kênh “chết” đang dần hồi sinh

MINH QUÂN LDO | 25/08/2023 06:22

Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dài 32km đi qua 7 quận, huyện đang dần “hồi sinh” sau 6 tháng cải tạo. Sắp tới rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh, kênh Hy Vọng, kênh Đôi... cũng sẽ được chỉnh trang, giúp thay đổi diện mạo đô thị, nâng cao đời sống hàng triệu người dân.

Tuyến kênh dài nhất TPHCM có diện mạo mới

Một ngày giữa tháng 8, đến một đoạn kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên qua quận Gò Vấp, chúng tôi thấy các công nhân tất bật cùng với máy móc liên tục đóng hạ cừ bêtông cốt thép dự ứng lực để xây dựng kè bờ kênh. Nhiều khu vực đã hình thành các đoạn bờ kè cố định uốn lượn theo con kênh. Rác, lục bình dưới lòng kênh cũng được dọn sạch.

Chứng kiến sự thay đổi của con kênh vốn ô nhiễm nặng nề, nhiều người dân hai bên bờ đều vui mừng và mong ngóng đến ngày dự án hoàn thành.

Ông Lê Thanh Tùng - Giám đốc Quản lý dự án (thuộc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Đô thị - chủ đầu tư) - cho biết, sau khi khởi công cuối tháng 2.2023, đến nay 9/10 gói thầu đã được triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến. Tại hạng mục xây dựng kè bờ kênh, các đơn vị đã đóng hơn 7.200 cừ bêtông cốt thép dự ứng lực, đạt 15,4% khối lượng. Ở hạng mục thi công xử lý nền đã đóng hơn 23.000m cọc ximăng (đạt 7,5%); triển khai thi công 21/22 cống cấp 2…

Theo ông Tùng, toàn tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sẽ được kè bêtông hai bờ, nạo vét lòng kênh và xây đường chạy dọc hai bên rộng 7-12m, vỉa hè 3m, với tổng chiều dài hơn 63km. Trên tuyến cũng được xây 19 cống thoát nước, 12 bến thuyền, ba cây cầu cùng hệ thống thoát nước mưa, chiếu sáng, cây xanh...

“Dự án phấn đầu hoàn thành dịp 30.4.2025. Khi hoàn thành, công trình sẽ cải thiện môi trường, kết nối giao thông, thoát nước cho gần 15.000 ha với hơn 2 triệu dân trong khu vực” - ông Tùng nói.

Nhiều kênh, rạch sắp “hồi sinh”

Hiện TPHCM đang chuẩn bị “hồi sinh” nhiều con kênh khác. Một trong những tuyến kênh nổi bật nhất là tuyến rạch Xuyên Tâm dài hơn 8km, đi qua địa bàn quận Bình Thạnh, Gò Vấp.

Sau hơn 20 năm lên kế hoạch “hồi sinh” nhưng chưa thực hiện, cuối năm 2022, HĐND TPHCM đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm với tổng mức đầu tư hơn 9.600 tỉ đồng.

Hai bên rạch sẽ được xây dựng bờ kè, hệ thống thu gom thoát nước thải và làm đường giao thông 2 làn xe mỗi bên đồng thời, xây dựng công viên, mảng xanh, hạ tầng kỹ thuật ven rạch với tổng diện tích khoảng 11ha.

Theo kế hoạch rạch Xuyên Tâm đoạn từ Lương Ngọc Quyến đến sông Vàm Thuật (quận Gò Vấp) sẽ khởi công từ tháng 8.2024 và hoàn thành vào tháng 4.2025. Còn hạng mục qua quận Bình Thạnh sẽ khởi công tháng 4.2025, hoàn thành tháng 4.2028.

Để đẩy nhanh tiến độ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường vừa chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng hoàn tất thủ tục triển khai dự án tái định cư, nhà ở xã hội phục vụ dự án.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vừa giao UBND Quận 8 và các sở ngành liên quan nhanh chóng kiểm tra pháp lý, thống nhất đưa dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng kênh Đôi vào danh sách dự án dùng nguồn vốn đầu tư công trung hạn năm 2021-2025. Theo đề xuất trước đó, khu vực hành lang bảo vệ kênh Đôi rộng khoảng 13m, dài gần 10km được xây bờ kè và cải tạo mở rộng với tổng vốn khoảng 10.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, hai dự án cải tại kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) và rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) tổng vốn khoảng 3.200 tỉ đồng đang được Sở Xây dựng nghiên cứu lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

Theo kế hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch, tổng nhu cầu vốn dự kiến 19.280 tỉ đồng. PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Nguyên trưởng khoa Đô thị học (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) cho rằng, nếu TPHCM cải tạo mở rộng 5 tuyến kênh chính, xuyên tâm và 22 rạch nhánh, đây là hướng thoát nước tự nhiên rất tốt. TPHCM khi tiến hành thì cần tính toán mở rộng biên giải tỏa. Từ đó có thêm quỹ đất sạch, đấu giá lấy nguồn lực đó triển khai dự án. Ngoài ra, xây các chung cư, nhà cao tầng trên nguồn đất sạch đó để tái định cư tại chỗ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn