MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công viên Thủ Lệ đang được nghiên cứu, cải tạo có chiều sâu. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Nuôi nhốt nhiều động vật hoang dã, công viên Thủ Lệ sẽ mở rào thế nào?

PHẠM ĐÔNG - VĨNH HOÀNG LDO | 19/02/2023 09:03

Hà Nội giao các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương cải tạo ba công viên lớn Thủ Lệ, Thống Nhất và Bách Thảo. Tuy nhiên, đối với công viên Thủ Lệ do đặc thù nuôi nhốt thú nên việc mở rào sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Công viên Thủ Lệ (hay còn gọi là Vườn thú Hà Nội) là một công viên cây xanh tích hợp vườn bách thú được xây dựng năm 1975, có diện tích 29ha ở Hà Nội. Vườn thú thuộc công viên có 37 chuồng, nuôi gần 600 động vật thuộc 88 loài (32 loài đặc hữu, quý hiếm).

Vào mỗi dịp nghỉ lễ, công viên Thủ Lệ luôn là địa điểm được nhiều người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận chọn làm nơi tham quan, du lịch. Vào mỗi đợt nghỉ lễ, công viên đã đón hàng vạn lượt khách dẫn đến tình trạng quá tải.

Theo kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, công viên Thủ Lệ, Thống Nhất và Bách Thảo sẽ là ba công viên lớn được ưu tiên thực hiện cải tạo, nâng cấp theo mức độ 1.

Khu vực được nghiên cứu đang là điểm chờ xe buýt và là lối lên xuống của ga Cầu Giấy (thuộc Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội). Ảnh: Vĩnh Hoàng 

Theo ghi nhận của Lao Động, khu vực được nghiên cứu mở rào nằm ở đối diện Trường Đại học Giao thông Vận tải. 

Hiện tại, khu vực này đang là điểm chờ xe buýt và là lối lên xuống của ga Cầu Giấy (thuộc Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội). 

Qua quan sát, xung quanh vị trí được nghiên cứu để mở rào thường xuyên tập trung đông người đi bộ, mật độ phương tiện di chuyển qua đây cũng rất đông vì gần nhiều khu dân cư, trường đại học.

Cận cảnh vị trí được nghiên cứu hạ rào. Ảnh: Vĩnh Hoàng 

Anh Nguyễn Văn Đạt (25 tuổi, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm) cho biết, anh rất vui khi được biết Hà Nội có đề xuất hạ rào một phần công viên Thủ Lệ.

Tuy nhiên, với đặc thù là công viên nuôi nhốt nhiều loại động vật hoang dã nên cần nghiên cứu một cách cẩn thận để tránh gây nguy hiểm cho người dân.

“Việc hạ hàng rào là một xu hướng chung của thế giới, giúp người dân dễ tiếp cận không gian thoáng đãng, thân thiện với môi trường. Điều đấy rất phù hợp để áp dụng với công viên Thống Nhất và Bách Thảo, nhưng đối với Thủ Lệ lại khác.

Bởi đây là công viên nuôi nhốt nhiều động vật hoang dã, lại nằm ngay nơi tập trung nhiều dân cư, dẫn đến việc hạ rào tại khu vực này sẽ rất nguy hiểm”, anh Đạt nói.

Sau khi hạ rào sẽ có vùng đệm là vườn hoa trước khi tiếp cận với các chuồng nuôi thú. Ảnh: Vĩnh Hoàng 

Tại báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư do Sở Xây dựng lập, công viên đề xuất mở rộng vườn thú ở khu cổng chính đường Bưởi và khu phía Tây (đường Kim Mã - Cầu Giấy); tăng số số chuồng từ 37 lên 42, sử dụng vốn ngoài ngân sách để xây khu động vật biển rộng trên 800m2 với 1-2 tầng hầm.

Đáng chú ý, tại buổi kiểm tra công viên Thủ Lệ mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nêu rõ, Thủ Lệ như đảo giao thông, bốn mặt đều giáp đường nên phải nghiên cứu kỹ, "không thể mở toang". Ví dụ khu vực giáp nhà ga S8 (ga ngầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội) sẽ mở, khu vườn thú và giáp làng Thủ Lệ phải đóng.

Vườn hoa được xem là vùng đệm sau khi mở rào công viên. Ảnh: Vĩnh Hoàng 

Ông Tuấn yêu cầu các ban ngành phối hợp cùng đơn vị quản lý nghiên cứu mở rào một phần công viên theo xu thế công viên mở hiện nay.

Theo ông Tuấn, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung nguồn đầu tư công để cải tạo, tái thiết công viên Thủ Lệ. Lãnh đạo thành phố giao các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương cải tạo công viên Thủ Lệ và hai công viên Thống Nhất, Bách Thảo để trình HĐND thành phố trong kỳ họp chuyên đề tháng 3, hoặc muộn nhất là kỳ họp tháng 6.

Để đầu tư cải tạo đồng bộ, công viên Thủ Lệ đang đề xuất thành phố mở rộng khu vực cổng chính (đường Bưởi) và khu vực phía Tây (đường Kim Mã - Cầu Giấy); xây dựng các cổng phía đường Kim Mã và đường Bưởi theo quy hoạch, kết hợp xây dựng bãi đỗ xe thông minh phía đường Kim Mã.

Đồng thời đề xuất bổ sung hệ thống phát wifi miễn phí, hệ thống camera thông minh kết hợp âm thanh phục vụ công tác bảo vệ các chuồng chim, thú, giữ gìn an ninh trật tự và phục vụ khách tham quan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn