MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cột khói Nhà máy Ximăng Tuyên Quang nhìn từ khu dân cư xóm 1, Tràng Đà (TP. Tuyên Quang).

Ô nhiễm khói, bụi Ximăng Tuyên Quang: Quá sức chịu đựng người dân

Phong Quang LDO | 17/04/2022 16:54
Tuyên Quang - Những tưởng sau khi Ximăng Tuyên Quang được cổ phần hoá, chủ mới với năng lực tài chính cùng công nghệ hiện đại sẽ giúp môi trường trong lành hơn. Nhưng có lẽ đó chỉ là viễn cảnh xa xôi khi cuộc sống của hàng trăm hộ dân gần nhà máy vẫn rất ngột ngạt, bức bối bởi khói bụi bủa vây.

Như Báo Lao Động đã phản ánh về tình trạng khói bụi bủa vây khu dân cư quanh Nhà máy Ximăng Tuyên Quang. Đáng nói khi đó là thực tế nhức nhối đã tồn tại và kéo dài trong nhiều năm.

Cuộc sống của cả trăm hộ dân các xóm 1 (xã Tràng Đà, TP. Tuyên Quang) và xóm 4 (xã Tân Long, Yên Sơn) luôn trong tình trạng ngột ngạt, bức bối bởi khói bụi. Đến cây cối, hoa màu và cả đường đi cũng đã bị nhuộm trắng bởi bụi xi măng.

Không có ngoại lệ

Ngày 15.4, trao đổi với PV, ông  Phùng Thế Hiệu, Phó Trưởng phòng Môi trường, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở TNMT tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngay sau khi có phản ánh của Báo Lao Động, ngày 8.4 Sở TNMT phối hợp với các cơ quan liên quan đã trực tiếp đi kiểm tra, làm rõ.

Qua quan sát bằng mắt thường có ghi nhận hiện tượng bụi trắng phủ bám trên cây cối, hoa màu, nhà cửa của người dân đặc biệt tại một số điểm thường xuyên có xe cộ đi lại. Bước đầu đánh giá tình trạng bụi xuất phát từ nhiều nguồn thải và không loại trừ từ phía Nhà máy Ximăng Tuyên Quang.

Theo ông Hiệu, đoàn kiểm tra đã lấy mẫu khí thải từ ống khói của Nhà máy Ximăng Tuyên Quang và gửi đi kiểm nghiệm, dự kiến kết quả sẽ có trong tuần tới. Đây cũng sẽ là căn cứ để Sở TNMT thực hiện các bước tiếp theo.
Năm 2019, Công ty CP Xi măng Tuyên Quang đã từng bị cơ quan chức năng xử phạt vì xả thải gây ô nhiễm môi trường. 

Ông Hiệu thông tin thêm: "Mới đây Sở TNMT đã tham mưu trình UBND tỉnh Tuyên Quang xử phạt Công ty CP Xi măng Tân Quang mức phạt cao hiếm thấy 3,3 tỉ đồng vì để xảy ra ô nhiễm. Nếu phát hiện có vi phạm tại Công ty CP Ximăng Tuyên Quang, sở cũng sẽ tham mưu đề xuất xử phạt nghiêm để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các đơn vị".

Ximăng Tuyên Quang là cơ sở có hoạt động xả thải và phải trang bị hệ thống quan trắc khi thải tự động. Suốt nhiều năm trì hoãn, mới đây đơn vị này mới hoàn thành việc lắp đặt nhưng chưa hoạt động, chưa có số liệu vì chưa được kiểm định.

Hiện tại, Ximăng Tuyên Quang đã chuyển đổi sang công nghệ sản xuất lò quay nhưng hệ thống xử lý khí thải thì vẫn chắp vá, phần nhiều tận dụng thiết bị từ trước khi cổ phần hoá nên khá lạc hậu.

Chưa khi nào hết nhức nhối

Năm 2017, Ximăng Tuyên Quang cổ phần hoá thành công. Người dân quanh khu vực nhà máy vui mừng, tin ở lời giới thiệu về dây chuyền và công nghệ làm xi măng hiện đại của chủ mới sẽ giúp cho môi trường trong lành hơn sau nhiều năm nhức nhối vì bụi bặm

Nhưng sự kỳ vọng nhanh chóng qua đi khi tình trạng khói bụi không có cải thiện. Thậm chí một số sự cố sau đó của nhà máy khiến bụi phát tán nhiều hơn ra môi trường đã khiến người ta nhận ra rằng nhức nhối sẽ chỉ nối tiếp những nhức nhối mà thôi.
Hàng cây trước cửa nhà bà Ngô Bích Hà, xóm 1 (Tràng Đà) bụi phủ kín. Không khí thì ngột ngạt, nhà cửa sân vườn trắng vì bụi xi măng.

Có cửa hàng tạp hoá nhỏ nhưng gần như bà Vũ Thị Kiều (xóm 1, xã Tràng Đà) không bao giờ dám bày biện hàng hoá ra ngoài. Nguyên nhân thì không gì khác ngoài bụi.

Bà Kiều than thở: "Đấy, các chú nhìn xem, nhà nào cũng phải quây bạt kín hiên nhà mà vẫn bụi trắng. Bánh kẹo, nước ngọt chỉ để ra ngoài từ sáng đến trưa là phải lau chùi rồi. Thương nhất vẫn là đám trẻ ở trường mầm non trong xóm, bụi lắm".

Khu dân cư gần cột khói của Nhà máy Ximăng Tuyên Quang thì còn thảm cảnh hơn. Bà Ngô Bích Hà (xóm 1, xã Tràng Đà) từ lâu đã không còn nhận ra màu xanh của hàng cây trước nhà. Có lẽ chúng chỉ trở về đúng màu sắc khi có mưa, nhưng mưa thì không phải lúc nào ông trời cũng cho.
Cây ăn quả, rau màu cũng vì bụi mà chậm lớn, giảm năng suất, còn sức khoẻ con người thì chẳng ai dám chắc điều gì. 

"Bụi lắm các chú ơi, từ cây cối đến đường xá, cứ sáng ra là trắng hết cả ra. Cứ tưởng chủ mới có công nghệ hiện đại thì dân đỡ khổ nhưng bao năm nay vẫn thế, ngột ngạt lắm. Dân chúng tôi xác định sống chung với lũ rồi" bà Hà bức xúc.

Ở xã Tràng Đà và Tân Long đã không còn nhiều người mặn mà với nghề công nhân xi măng. Vất vả mà thu nhập không được là bao. Người có điều kiện thì chuyển việc, chuyển nhà với hi vọng tìm đến một môi trường sống trong lành hơn.

Nhiều năm qua, Chính phủ và Thủ tướng phủ luôn đưa ra thông điệp "Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế" thể hiện quyết tâm bảo vệ môi trường sống cho người dân cũng như hướng tới sự phát triển bền vững.

Mới đây, ngày 13.4.2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu cụ thể là chủ động phòng ngừa, kiểm soát các tác động xấu gây ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn