MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bãi rác Nam Sơn là khu xử lý rác thải lớn nhất ở Hà Nội, được xây dựng từ năm 1996 và bắt đầu hoạt động vào năm 1999. Từ đó đến nay, rác thải tại đây chủ yếu được chôn lấp. Ảnh: Hải Danh

Phân loại tốt giảm được bao nhiêu chi phí cho việc đốt rác thải?

Nguyễn Hà - Cát Tường LDO | 23/10/2023 09:11

Phân loại rác tốt từ nguồn không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng cho môi trường mà còn tiết kiệm được chi phí phải trả cho việc chôn lấp.

Giảm 30-40% chi phí cho đốt rác nếu phân loại rác tốt

Chậm nhất từ ngày 31.12.2024, các hộ gia đình, cá nhân sẽ phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Trường hợp không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom; không để rác đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền... Như vậy, thời gian chỉ còn hơn 1 năm để quy định này được áp dụng trong thực tế, tuy nhiên theo ghi nhận, việc phân loại rác vẫn chưa hình thành được thói quen trong đa số các hộ dân. Nhiều nơi, việc phân loại chỉ dừng lại ở "phong trào". Thậm chí, nhiều người dân tỏ ra ngán ngẩm khi phân loại chỉn chu tại nhà nhưng sau đó khi thu gom lại bị trộn lẫn.

Ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) nhìn nhận, đây là bài toán mà phía công ty đã đặt ra. Ông Sơn cho hay, khi thu gom, một bộ phận người dân cũng đã có ý thức phân loại bằng cách cho tặng hay bán lại cho đồng nát - đó cũng là một hình thức phân loại tại nhà. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, công ty đang vướng ở việc xử lý đầu cuối.

"Hiện nay, Hà Nội đang vận hành song song việc chôn lấp và đốt. Tuy nhiên mô hình chôn lấp đã lỗi thời, lạc hậu. Việc đốt rác chỉ mang hình thức xử lý tại thời điểm hiện tại mang lại hiệu quả nhanh. Tương lai lâu dài phải là kinh tế tuần hoàn, phân loại để giảm thiểu chi phí đốt rác. Nếu phân loại tốt sẽ giảm được 30-40% chi phí đốt rác, sẽ giảm thiểu được ngân sách phải chi" - ông Sơn cho hay.

Nhà máy điện rác Sóc Sơn khởi công tháng 8.2019, trên diện tích 17,51ha, thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) có tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng. Ảnh: Hải Danh

Chỉ chôn lấp chất thải không thể tái chế

TS. Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, pháp luật đã quy định về việc cần giảm việc chôn lấp chất thải trong tương lai. Đây là chủ trương, quy định chung, các địa phương cần tuân theo quy định này để triển khai trong thực tế.

TS. Mai Thanh Dung phân tích, việc chôn lấp làm mất quỹ đất của địa phương, nguy cơ tiềm ẩn sau này làm ô nhiễm nguồn nước khu vực đó nếu quá trình chôn lấp không đảm bảo kỹ thuật.

Việc chôn lấp phải hạn chế, chỉ chôn lấp chất thải không thể tái chế hoặc không thể sử dụng được. Chúng ta cũng đang có rất nhiều mô hình xử lý chất thải như đốt rác kết hợp phát điện, tuy nhiên, quan trọng là chúng ta phải phân loại được để từng loại chất thải được tái chế, tái sử dụng, xử lý.

"Chất thải phát sinh từ người dân, từ doanh nghiệp, vậy nên ý thức của người dân, của doanh nghiệp cần được nâng lên thành nhận thức và hành động để thực hiện tốt việc thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải" - ông Mai Thanh Dung phân tích.

Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, trong luật cũng đã phân ra thành các loại chất thải. Riêng về chất thải rắn, giải pháp hữu hiệu là làm sao phải thu gom được, sau đó có cơ chế tái chế, tái sử dụng được cao nhất. Còn phần không thể tái chế được thì mới mang đi xử lý bằng các hình thức như đốt rác phát điện - dù chi phí đầu tư lớn nhưng mang lại hiệu quả nhiều hơn trong tương lai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn