MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân thu hái trẩu dưới tán rừng. Ảnh: H.Nguyên.

Phát triển loài cây tạo sinh kế dưới tán rừng phòng hộ

HƯNG THƠ LDO | 07/09/2024 08:32

Tỉnh Quảng Trị đã và đang triển khai trồng loại cây trong rừng phòng hộ dễ sống, nhanh phát triển, lại tạo sinh kế cho người đồng bào thiểu số ở vùng biên giới.

Kiếm tiền hợp pháp trong rừng phòng hộ

Từ khoảng cuối tháng 7 đến tháng 9, cây trẩu trồng trên rẫy, trong rừng phòng hộ ở huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) cho trái.

Sáng sớm, ông Hồ Văn Mừng (trú tại thôn Trằm, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa) cùng cháu Hồ Lâm Hoàng (học sinh lớp 9) đi vào khu vực nương rẫy của gia đình. Ở đám rẫy rộng khoảng 1ha, từ lâu ông Mừng đã trồng keo tràm, bao quanh keo tràm, ông trồng loại cây chắn gió là trẩu. Keo tràm chưa thu hoạch, nhưng trẩu đã cho quả, bây giờ đến vụ thu hoạch, ông Mừng và cháu trai đến nhặt những quả già rụng đầy dưới gốc cây.

Ngoài việc nhặt trẩu ở rẫy, ông Mừng và đứa cháu còn đi vào khu vực rừng phòng hộ ở cạnh đó, để nhặt trái trẩu rụng. Số tiền bán được từ trái trẩu cũng kha khá, ông Mừng chia cho Hoàng một ít để mua sách vở, áo quần cho năm học mới.

Nhặt quả trẩu dưới tán rừng. Ảnh: H.Nguyên.

Trên rẫy không trồng cây trẩu, nhưng năm nào chị Hồ Thị Cơ (trú tại thôn Trằm, xã Hướng Tân) cũng có thu nhập nhờ loại cây này. Đến vụ, chị thường vào rừng phòng hộ, nhặt những hái trẩu rụng dưới gốc và hái những trái trẩu già ở trên cây. Khu vực chị Cơ thu hái trẩu là các cánh rừng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, rồi tập kết về 1 địa điểm để tách vỏ lấy hạt. Với 20-25kg trái trẩu, tách ra được khoảng gần 10kg hạt, nếu bán tươi có giá 5000 đồng/1kg, phơi khô thì 10.000 đồng/kg.

Vào dịp này, không chỉ chị Cơ, ông Mừng và cháu Hoàng, mà có nhiều người dân vào rừng thu hái trẩu. Một ngày, mỗi người có thể kiếm được khoảng 100.000 đồng hoặc cao hơn từ việc bán trẩu.

Phát triển rừng nhanh, tạo sinh kế cho người dân

Tại huyện Hướng Hóa, chỉ riêng ở Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông có 2.700ha cây trẩu trồng hỗn giao với cây thông, sao đen hoặc loại cây khác.

Trẩu được trồng khoảng từ năm 2002 và trồng thêm qua các năm. Trẩu được trồng bằng hạt, rất dễ sống và sinh trưởng nhanh. Vì vậy, ở những khu vực đất rừng trống, rừng nghèo hoặc sạt lở, thì Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông cho trồng xen trẩu vào để phủ xanh, sau đó trồng thêm cây bản địa để thành rừng.

Người dân thu hái trẩu, rồi tách hạt để bán. Ảnh: H.Nguyên

Cây trẩu cũng cho gỗ, nhưng gỗ không chất lượng, nên các cánh rừng trẩu cạnh khu dân cư không bị đốn hạ. Đặc biệt, chỉ sau 4 năm trồng là trẩu cho quả, vừa làm tốt chức năng của rừng phòng hộ, vừa tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Bà Nguyễn Hồng Phương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Quảng Trị cho hay, đơn vị có tiến hành thống kê, tìm hiểu cho thấy các hộ dân sống gần vùng rừng phòng hộ mỗi năm thu hái, thu nhập từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng, tùy hộ gia đình.

“Người dân ở cạnh khu vực rừng phòng hộ tại huyện Hướng Hóa ngoài việc khoán bảo vệ rừng, nếu chăm chỉ thu hái trẩu thì có thêm thu nhập” – bà Nguyễn Hồng Phương cho biết.

Thấy loại cây này mang lại nhiều giá trị, nên UBND tỉnh Quảng Trị đã có kế hoạch phát triển cây trẩu.

Bên cạnh đó, do người dân thu hái, rồi bán thô hạt trẩu cho các đại lý, nên giá rẻ và thu nhập không cao. Vì vậy, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị đang kêu gọi doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển nhà máy chế biến sâu dầu trẩu để mang lại thu nhập tốt hơn cho người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn