MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tọa đàm ''Các dự án đầu tư và tác động đến môi trường'' diễn ra vào ngày 15.8 tại Báo Lao Động. Ảnh: Vũ Linh.

Phát triển nền kinh tế xanh – cơ hội và thách thức cho các dự án đầu tư

MINH HÀ LDO | 17/08/2023 07:00

Ngày 15.8, Báo Lao Động đã tổ chức thành công Tọa đàm ''Các dự án đầu tư và tác động đến môi trường''. Tại toạ đàm, các vị khách mời đã có những thảo luận xoay quanh những điểm mới nổi bật của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Từ đó, đề xuất những giải pháp để công tác quản lý môi trường đối với các dự án đầu tư đạt nhiều hiệu quả tích cực.

Tọa đàm ''Các dự án đầu tư và tác động đến môi trường'' diễn ra vào ngày 15.8 tại Báo Lao Động. Ảnh: Vũ Linh.

Bước tiến lớn trong công tác bảo vệ môi trường
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có hiệu lực. Trong đó, đáng chú ý có chủ trương thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao; thực hiện hậu kiểm đối với các dự án công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường; cắt giảm thủ tục hành chính, đặc biệt liên quan đến đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, đăng ký môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 được đánh giá một mặt kiểm soát chặt các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đồng thời, cũng tạo điều kiện cho các dự án thân thiện với môi trường có công nghệ hiện đại được đầu tư phát triển với sự thông thoáng, đơn giản hóa, rõ ràng hơn về quy định đánh giá tác động môi trường, luật đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư.

PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Chia sẻ tại toạ đàm “Các dự án đầu tư và tác động đến môi trường” do Báo Lao Động tổ chức ngày 15.8, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng đánh giá, những điều mới trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã ngăn chặn được sự rủi ro cho chính các doanh nghiệp.

“Khi có đánh giá sơ bộ, có đánh giá môi trường rồi mới cấp phép, người ta sẽ lựa chọn khi nào được cấp phép thì mới triển khai. Trước đây, khi chưa có điều này, những rủi ro nghiêng về phía doanh nghiệp. Rủi ro đấy không chỉ khiến doanh nghiệp thiệt hại về kinh tế mà còn làm nhân dân thiệt hại về môi trường. Tôi cho rằng, cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt, đồng bộ từ tất cả các cấp” – bà An phân tích.

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường (Bộ TN&MT).

Còn theo quan điểm của PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường (Bộ TN&MT), trong câu chuyện đánh giá tác động môi trường và giám sát đến môi trường, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.“Chúng ta không đánh đổi kinh tế để lấy môi trường. Nguyên tắc là phải để cho ba trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường ngang nhau và hài hòa. Hài hòa lợi ích cho doanh nghiệp, cho các chủ đầu tư trong, ngoài nước mang lại lợi ích cho người dân. Cho nên điều kiện cấp phép này vẫn chặt chẽ nhưng thủ tục cấp phép nhẹ nhàng hơn” – ông Chinh nói.

Phát triển kinh tế xanh là xu hướng tất yếu trên thế giới

Phát triển kinh tế xanh bền vững là điều rất nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, hành trình để mọi doanh nghiệp, nhà đầu tư hiểu và đi trên con đường này lại không hề dễ dàng. Bởi khi muốn xanh hoá, muốn chú trọng đến môi trường thì đồng nghĩa với nguồn vốn, chi phí xây dựng, sản xuất, giá thành sẽ tăng cao…

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh cho rằng, các doanh nghiệp cần nghiên cứu về quyển Luật bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022. "Bên cạnh hiểu luật thì phải hiểu văn hóa Việt Nam để đầu tư. Các chủ đầu tư nên biết một số ưu đãi của Việt Nam cho họ về những cái dự án thân thiện môi trường trong cái quy chế ưu đãi về mặt bằng đất đai" - ông Chinh nói.

Tiếp lời về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An khẳng định, doanh nghiệp phải đi cùng với dân. Nếu muốn đi cùng nhau được lợi ích phải hài hòa, từ kinh tế đến môi trường.

Bên cạnh đó, theo Viện trưởng viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, Việt Nam phải xây dựng thói quen, thói quen sử dụng những sản phẩm hữu cơ, những sản phẩm xanh. Tuy nhiên, đang có sự chênh lệch giá giữa sản phẩm sữa hữu cơ và không hữu cơ.

“Nhà nước nên có sự hỗ trợ giai đoạn đầu để người dân sử dụng quen và trở hành người tiêu dùng thông thái. Nhà nước hỗ trợ để cho doanh nghiệp có thể tồn tại được trong giai đoạn đầu bằng trợ giá. Thứ hai, đề nghị hỗ trợ cho họ tín dụng, bởi vì làm phải có vốn. Nên nghiên cứu tổng thể các chính sách để hỗ trợ giai đoạn đầu cho các doanh nghiệp làm những sản phẩm sạch, an toàn để họ tồn tại, phát triển.

Việt Nam phải có trách nhiệm tạo điều kiện để các môi trường ở nước ngoài vào đầu tư tồn tại phát triển, có lợi nhuận. Nhưng ngược lại các các doanh nghiệp nước ngoài vào cũng hiểu đất nước chúng tôi mặc dù giai đoạn đầu đang khó khăn kinh tế nhưng không phải vì thế chấp nhận tất cả những tác động xấu về môi trường. Hãy đồng hành, cùng chia sẻ với nhau để cùng thực hiện những điểm mà hiện nay Luật môi trường mới đưa ra" - bà An bày tỏ quan điểm.

Chuyên gia này cũng cho rằng, mỗi tập thể, cá nhân phải có nhận thức để phát triển mục tiêu kinh tế xanh. Bởi vì từ nhận thức mới trở thành ý thức, ý thức mới thành hành động.

"Trẻ con bây giờ không vứt rác bừa bãi - đó cũng chính là việc ý thức khi được giáo dục từ nhỏ. Chúng ta phải học hỏi từ các hình mẫu lí tưởng của các nước thân thiện môi trường sau đó phát triển lên. Phải nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp với lợi ích của người dân" - bà An bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn