MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường diễn ra ngày 23.12. Ảnh: Khương Trung

Phó Thủ tướng: Mục tiêu mỗi thửa đất có một số định danh

Nguyễn Hà LDO | 23/12/2022 15:59

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện ngành Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện rất mạnh chuyển đổi số như xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai với mục tiêu “mỗi thửa đất cũng có một số định danh”; đồng thời cần khuyến khích, cổ vũ cho những cách làm mới, cách làm khác ngay từ cơ sở và của từng chuyên viên.

Ngày 23.12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023. 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước, ngành tài nguyên và môi trường đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách có tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu với mục tiêu thúc đẩy phục hồi xanh, tạo dựng nền tảng để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Đồng thời, kịp thời tháo gỡ những rào cản để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho phục hồi kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và chung tay của toàn dân công tác bảo vệ môi trường đã chuyển bị động sang ứng phó, sang chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, công tác bảo vệ môi trường đã chuyển bị động sang ứng phó, sang chủ động phòng ngừa. Ảnh: Khương Trung

Nhiều ý kiến về dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Tại Hội nghị, đại diện các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và địa phương về triển khai nhiệm vụ của ngành Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới, trong đó, nhiều ý kiến đóng góp về dự thảo Luật đất đai sửa đổi. Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết sẽ thực hiện ý kiến của Chính phủ, tiếp tục hoàn thiện trước khi trình Luật đất đai. 

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2023 đặt ra với ngành Tài nguyên môi trường nhiều vấn đề, nhất là việc phải tập trung để xây dựng Bộ Luật đất đai sửa đổi. "Hiện nay, đất đai là vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, doanh nghiệp, trong đó có cả việc liên quan đến đơn thư, khiếu kiện, tố cáo, tranh chấp... đất đai rất lớn. Do đó, kỳ vọng của người dân về sửa đổi luật này rất cao. Từ đó, chúng ta cần tập trung cho nhiệm vụ trọng tâm này để hoàn thiện" - ông Bùi Văn Cường nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Khương Trung 

Bà Đoàn Thị Thanh Mai - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, năm 2022, nổi bật lên là sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên Môi trường và Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội trong việc trình, xin ý kiến của Quốc hội lần đầu về dự án Luật đất đai sửa đổi và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật đất đai sửa đổi. "Luật đất đai sửa đổi là đạo luật quan trọng, giữ vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai. Có tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực và chủ thể trong toàn xã hội được Đảng, Nhà nước và toàn dân quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng. Chính vì thế, áp lực của cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài nguyên Môi trường và cơ quan chủ trì thẩm tra là Uỷ ban kinh tế của Quốc hội là không nhỏ. Quá trình chuẩn bị dự thảo luật đã được triển khai từ rất sớm, thận trọng, khoa học và bài bản, nhờ đó hồ sơ dự thảo luật được hoàn thiện công phu, kỹ lưỡng, được các ĐBQH đánh giá cao trong kỳ họp vừa qua" - bà Mai cho hay.

Mục tiêu mỗi thửa đất có một số định danh

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh ngành Tài nguyên và Môi trường có vai trò, vị trí rất quan trọng, không chỉ quản lý các nguồn lực, tài nguyên là "đầu vào" của nền kinh tế mà còn liên quan nhiều mặt đến đời sống của từng người dân, từng gia đình. Trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, lĩnh vực tài nguyên và môi trường vừa là đối tượng, vừa là chủ thể mở đường cho nhiều chính sách đổi mới. Đến nay, vấn đề tài nguyên, trong đó đặc biệt là đất đai, còn hiện hữu nhiều bất cập, khó khăn, bởi vì phải giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích công cộng, doanh nghiệp và từng người dân.

Điểm lại tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong giai đoạn 30 năm đổi mới, Phó Thủ tướng cho rằng, những mục tiêu đặt ra không hề đơn giản, nhất là trong hai năm 2020-2021, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, cùng các biến động khó lường của kinh tế toàn cầu; chưa kể khi quy mô nền kinh tế càng lớn thì tăng trưởng tốc độ cao càng khó khăn. Bên cạnh đó, yêu cầu phát triển hiện nay không chỉ tăng trưởng nhanh, đơn thuần mà còn phải bền vững từ bảo vệ môi trường đến chú trọng các vấn đề văn hóa, xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thêm vào đó, hiện ngành Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện rất mạnh chuyển đổi số như xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai với mục tiêu “mỗi thửa đất cũng có một số định danh”; đồng thời cần khuyến khích, cổ vũ cho những cách làm mới, cách làm khác ngay từ cơ sở và của từng chuyên viên.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị toàn ngành cần quyết tâm triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023.

Một là, rà soát các kế hoạch hành động phù hợp với tình hình mới, hoàn thành công tác lập phê duyệt quy hoạch, đảm bảo quỹ đất, tài nguyên đầu vào cho nền kinh tế. Nguồn thu từ tài nguyên và môi trường đóng góp 18% - 20% thu ngân sách nội địa.

Hai là, chủ động thực hiện các giải pháp phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, cải thiện các chỉ số thành phần môi trường; 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp. 

Ba là, triển khai thực hiện các mục tiêu cam kết về bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên trên đất liền và trên biển đã được thế giới chính thức thông qua tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học; quyết liệt triển khai cam kết về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0...

Bốn là, phấn đấu đưa vào vận hành hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung đa mục tiêu; vận hành cổng thông tin địa lý quốc gia, dữ liệu quan trắc, điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường. 

Năm là, tiếp tục phân cấp thẩm quyền đi đôi với kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện; đơn giản hóa 15% - 20% thủ tục hành chính.

Sáu là, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng tài nguyên và môi trường phấn đấu đạt 39% diện tích vùng biển và 75% diện tích đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản ở tỷ lệ 1:50.000.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn