MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các tình nguyện viên tham gia thu gom rác thải trên biển ở Phú Quốc. Ảnh: Hoàng Dung

Phú Quốc nỗ lực giảm rác thải nhựa trên biển

HOÀNG DUNG LDO | 15/06/2022 08:52
Kiên Giang - Qua 3 năm thực hiện thu thập thông tin, phân loại rác thải nhựa cho thấy, Phú Quốc là một trong những địa phương ô nhiễm rác thải nhựa bãi biển cao nhất hiện nay với hơn 90% rác thải trên bãi biển là rác thải nhựa.

Thực trạng rác thải nhựa trôi dạt trong đại dương ngày càng nghiêm trọng không chỉ làm suy thoái sự đa dạng sinh học biển mà còn gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhất là các địa phương phát triển mạnh về du lịch biển. Nhằm tìm ra giải pháp giảm rác thải nhựa đại dương, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và Vườn Quốc gia Phú Quốc đã tổ chức giám sát rác thải biển nhằm thu thập số liệu, làm cơ sở cho đề xuất các giải pháp, hoạt động của chính quyền địa phương liên quan đến vấn đề rác thải nhựa.

Ông Lý Vành Tha - Phó Trưởng phòng Bảo tồn biển và đất ngập nước nội địa Vườn Quốc gia Phú Quốc - cho biết: Số liệu phân loại rác những năm qua cho thấy, đa phần rác thải ở các bãi biển có nguồn gốc vô cơ chiếm tới hơn 96%. Ngoài ra, còn có các loại rác khác như thuỷ tinh, kim loại, gỗ… Quá trình phân loại rác nhằm xác định nguồn gốc và số lượng rác. Từ đó, đề ra cách hạn chế cũng như vận động người dân và hướng xử lý tại nguồn, trước khi rác được thải ra môi trường, đặc biệt là trong khu bảo tồn biển.

Theo đó, hoạt động giám sát rác thải biển được chia làm 2 đợt trong năm vào tháng 6 và tháng 12 tại các bãi biển không có hoạt động dọn dẹp thường xuyên và chiều dài bãi biển tối thiểu 100m. Sau đó, sẽ lựa chọn 4 mặt cắt ngẫu nhiên để thu gom toàn bộ rác nhân tạo gồm 7 loại chính (nhựa, cao su, kim loại, gỗ chế biến, vải, thủy tinh và các loại rác khác với kích thước từ 2,5cm trở lên) nhằm thu thập dữ liệu về rác giữa các mùa, qua đó so sánh đối chiếu về thành phần, số lượng, khối lượng từng loại rác.

Theo ông Lý Vành Tha, rác thải nhựa không chỉ ảnh hưởng khá nghiêm trọng tới môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học mà nó còn ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người và gây hệ lụy cho nền kinh tế, nhất là các địa phương phát triển mạnh về du lịch biển.

Chị Trương Thị Huỳnh Như - một tình nguyện viên - cho biết: “Bản thân tôi rất vui khi được góp một phần để làm sạch môi trường biển. Tôi muốn lan toả năng lượng tích cực của mình đến với mọi người trong việc giữ gìn vệ sinh chung vì một thành phố Phú Quốc sạch đẹp trong mắt du khách”. Theo chị Như, việc cần giải quyết cấp bách hiện nay là sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp, tình nguyện viên và người dân trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.

Theo Phòng Bảo tồn biển và đất ngập nước nội địa Vườn Quốc gia Phú Quốc, đánh giá kết quả qua 3 năm thực hiện thu thập thông tin, phân loại rác thải nhựa cho thấy, Phú Quốc là một trong những địa phương ô nhiễm rác thải nhựa bãi biển cao nhất hiện nay với hơn 90% rác thải trên bãi biển là rác thải nhựa. Đa phần rác thải nhựa có nguồn gốc từ ngành thuỷ sản, bao gồm các hoạt động khai thác, nuôi trồng, mua bán chiếm tỉ lệ rất lớn với hơn 47% về số lượng và gần 46% về mặt khối lượng.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh - Quản lý Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam - cho hay: WWF cũng đã phối hợp với Vườn Quốc gia Phú Quốc để xây dựng một cơ chế thu gom, khuyến khích ngư dân thu gom rác thải mang về bờ.

Ngoài ra, WWF cũng đang làm việc với các nhóm tình nguyện viên cũng như vận động các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành, có những chương trình vừa giảm thiểu rác thải nhựa trong các hoạt động trên biển, vừa tham gia các chương trình thu gom rác thải ngoài trời từ các khu, các bãi biển, từ các đảo xa bờ và mang rác thải về bờ, góp phần làm giảm rác thải nhựa tồn tại trong tự nhiên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn