MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Quảng Nam sạt lở nhiều nơi, quân dân đội mưa vá kè

Hoàng Bin LDO | 14/11/2023 14:09

Mưa lớn gây sạt lở đất nghiêm trọng nhiều nơi tại Quảng Nam, hàng trăm hộ dân có nguy cơ bị mất nhà, cô lập. Các lực lượng quân - dân kết hợp đang đội mưa ứng phó.

Đe dọa gần 200 hộ dân ven sông

Từ ngày 13.11 đến nay, mưa như trút nước xuống khu vực huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Sau khi làm sập 1 ngôi nhà ở thị trấn Ái Nghĩa, mưa lớn tiếp tục gây sạt lở, khoét sâu vào bờ kè gần 100 m bên sông Vu Gia (đoạn qua thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường) khiến gần 200 hộ dân có nguy cơ bị cô lập.

Một ngôi nhà ở thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam bị sạt lở làm sập. Ảnh: Diên Vĩ
Hiện trường sạt lở bên bờ sông Vu Gia (thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc) đe dọa nhà cửa, đất sản xuất của dân. Ảnh: Diên Vĩ

Thông tin với Lao Động, ông Phan Phước Mơ - Chủ tịch UBND xã Đại Cường - cho biết, tình trạng sạt lở đã có dấu hiệu từ năm ngoái, vài ngày gần đây thì bắt đầu xâm thực mạnh, ăn sâu vào đất liền, nguy cơ sạt lở tuyến đường độc đạo ở thôn Khương Mỹ.

“Nếu tình trạng sạt lở cứ diễn biến phức tạp và không có biện pháp tu bổ, sửa chữa kè kịp thời thì gần 200 hộ dân thôn Khương Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ bị cô lập hoàn toàn” - ông Mơ nói.

Trước tình huống khẩn cấp, Ban Phòng chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ huyện Đại Lộc đã đưa ra phương án khắc phục tạm thời bằng đóng cọc tre, bao tải cát để giữ chân mái taluy, không cho ảnh hưởng tuyến giao thông.

Các lực lượng “bốn tại chỗ” đội mưa vá bờ kè ngăn tình trạng sạt lở lan rộng. Ảnh: Diên Vĩ

Bất chấp mưa lớn như trút nước, hàng chục người dân cùng các lực lượng dân quân xung kích khẩn trương chặt tre, đổ cát vào bao để tiến hành gia cố, chống sạt lở.

Khi qua mùa mưa, huyện sẽ nghiên cứu tìm phương án khắc phục lâu dài, nếu vượt khả năng thì sẽ báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ kịp thời để không ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của các hộ dân nơi đây, ông Nguyễn Hảo - Bí thư huyện ủy Đại Lộc - cho hay.

Dừng họp không cần thiết để ứng phó với mưa lũ

Mưa lớn cũng gây sạt lở nhiều tuyến giao thông huyết mạch tại các huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My, mực nước các sông tiếp tục dâng cao, chảy xiết.

Tại địa bàn xã Trà Leng, nước lũ trên sông Xoan và sông Leng cuồn cuộn đổ về nên Trạm Y tế xã đã chủ động di dời trang thiết bị khám chữa bệnh từ tầng 1 lên tầng 2 để đề phòng ngập lụt, hư hại. Trụ sở xã và Trường Tiểu học Trà Leng cũng đã sẵn sàng sơ tán nếu lũ tiếp tục dâng cao.

Nước lũ cuồn cuộn đổ về, làm chia cắt cầu K25 nối liền xã Trà Sơn và Trà Tân (huyện Bắc Trà My). Ảnh: Văn Bình

Theo Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, trong 24 giờ qua, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to và có nơi mưa rất to. Tại Nam Trà My, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá trong 6 giờ tới là rất cao.

Huyện Nam Trà My đã chỉ đạo 10/10 xã tập trung kiểm tra hiện trạng các khu dân cư, công sở, trường học và sẵn sàng lực lượng để di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có nguy hiểm. Đồng thời, huy động phương tiện, máy móc để giải phóng sạt lở trên tuyến ĐH5 đảm bảo lưu thông an toàn cho nhân dân.

Sạt lở đất đá trên tuyến ĐH5 của huyện Nam Trà My. Ảnh: Hoàng Vương

Trước tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp, sáng 14.11, học sinh toàn huyện Bắc Trà My đã được cho nghỉ học để đảm bảo an toàn. Các cuộc họp không cần thiết của huyện và xã, thị trấn cũng được yêu cầu tạm dừng nhằm tập trung phòng chống mưa, lũ.

Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - cho hay, lũ trên sông suối dâng cao khiến nhiều tuyến đường huyết mạch từ trung tâm huyện về các xã và lên huyện Nam Trà My đã bị chia cắt. Các ngầm sông Trường, sông Nước Oa trên quốc lộ 40B qua các xã Trà Sơn, Trà Tân bị ngập sâu hơn 1m. Vì vậy, địa phương sẽ dừng các cuộc họp không cần thiết để phòng chống mưa lũ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn