MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn). Ảnh: Quốc hội

Quỹ phòng chống thiên tai: Dư 1.692 tỉ, có địa phương không chi đồng nào

Nguyễn Hà - Đặng Chung - Trần Vương LDO | 05/11/2020 11:45

Nói về quỹ phòng chống thiên tai, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn) cho biết có tình trạng nơi thu, nơi không thu, tỉnh thu được nhiều, tỉnh thu được ít và nhiều địa phương không chi một đồng nào cho việc này trong khi nhu cầu rất lớn.

Ngày 5.11, tiếp tục kỳ họp thứ 10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn) nêu vấn đề: Những năm gần đây, thiên tai và biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, hình thành trạng thái mới về khí hậu trên toàn cầu. Thiệt hại do mưa đá, hạn hán, sạt lở, xâm nhập mặn và cơn bão số 8, số 9 tại các tỉnh miền Trung vừa qua gây nên thiệt hại to lớn về người và của cho người dân và nền kinh tế của đất nước. Cả xã hội đã dốc sức cứu giúp người dân vùng lũ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, ông Thành đề nghị Chính phủ cần ban hành các chính sách đồng bộ hơn. Gấp rút cụ thể hoá luật, các quy định, quy chế liên quan đến phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu và hệ thống văn bản pháp luật có liên quan.

"Xây dựng các công trình hạ tầng công cộng, hạ tầng sản xuất và dân dụng, quy định phù hợp với đặc điểm, xu thế biến đổi của từng vùng, từng địa phương. Xây dựng chương trình hỗ trợ cải tạo nhà ở cho người dân thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ, triều cường, vùng xả lũ của công trình thủy lợi, thủy điện. Xây dựng chương trình tổng thể về ổn định dân cư, sắp xếp bố trí di dời dân cư ở những nơi có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nhất là với vùng núi" - ông Thành nói.

Theo đại biểu đoàn Lạng Sơn, người dân vùng núi cao cần được cấp bù gạo; rừng cần được nâng cao chất lượng.

Nói về quỹ phòng chống thiên tai, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng: Quỹ phòng, chống thiên tai phải được huy động và sử dụng hiệu quả hơn. Theo ông Thành, quỹ này vận hành chưa tốt sau 6 năm thực hiện - quỹ đang dư 1.692 tỉ - đây là con số rất lớn so với yêu cầu hiện nay. Tình trạng nơi thu, nơi không thu, tỉnh thu được nhiều, tỉnh thu được ít và nhiều địa phương không chi một đồng nào cho việc này trong khi nhu cầu rất lớn.

"Cá biệt, có tỉnh là tâm điểm của vùng thiên tai bão lũ mà không lập quỹ này" - ông Thành nói và đặt câu hỏi với công tác quản lý nhà nước, các bộ, ngành, địa phương đã thực sự vào cuộc với công tác này?

Cũng tại phiên thảo luận, nói về việc phát triển sản xuất ở miền núi, ông Thành cho rằng đã đạt ngưỡng, muốn chuyển đổi về chất chúng ta cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ với những điểm sáng ở Sơn La, Bắc Giang, Bắc Kạn.

Tuy nhiên theo đại biểu này, chúng ta vẫn thiếu những giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn để giải quyết những vấn đề của người dân, thiếu tính liên kết vùng trong giải quyết vấn đề chung, nhiều nguyên cứu được quy trình khép kín từ nghiên cứu đến triển khai, kết nối thị trường tạo nên chuỗi sản xuất, chuỗi quản lý.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng đề nghị sửa đổi luật khoa học công nghệ cho phù hợp, có chính sách khoa học công phù hợp cho vùng miền núi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn