MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sắp xuất hiện hàng loạt hiện tượng thiên văn kỳ thú trong tháng 10 này

An An LDO | 02/10/2020 09:10
Theo lịch hiện tượng thiên văn đáng chú ý năm 2020, trong tháng 10 này người yêu thiên văn sẽ được chiêm ngưỡng 8 hiện tượng kỳ thú. Trong đó có tới hai trận mưa sao băng Draconids và Orionids.

Theo Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội (HAS), sau tháng 9 hiếm hoi những hiện tượng thiên văn thì tháng 10 này người yêu thiên văn sẽ được chiêm ngưỡng hai trận mưa sao băng cỡ nhỏ Draconids và Orionids. Đến giữa tháng, Sao Hoả ở vị trí xung đối sẽ tỏa sáng lộng lẫy trên bầu trời. Đây là những hiện tượng kỳ thú đáng được mong đợi.

Ngày 1 tháng 10 – Sao Thủy ở vị trí ly giác cực đại phía Tây

Nằm ở vị trí ly giác cực đại phía Tây, Sao Thủy sẽ cách Mặt Trời 25,8 độ. Đây cũng chính là thời điểm quan sát sao Thủy tốt nhất bởi nó sẽ nằm ở điểm cao nhất trên đường chân trời vào buổi sáng.

Ngày 2 tháng 10 – Trăng tròn

Mặt Trăng sẽ nằm ở vị trí đối diện Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất, mặt hướng về phía Trái Đất của nó sẽ được Mặt Trời chiếu sáng toàn bộ. Pha này diễn ra vào lúc 04h06.

Ngày 7 tháng 10 – Mưa sao băng Draconids

Draconids là một mưa sao băng nhỏ, với chỉ khoảng 10 vệt sao băng mỗi giờ. Draconids là trận mưa sao băng khác thường vì thời điểm quan sát tốt nhất là chiều tối thay vì rạng sáng như những trận mưa sao băng khác.

Mưa sao băng Draconids. Tác giả: Pere Soler.

Ngày 13 tháng 10 – Sao Hỏa ở vị trí xung đối

Hành tinh Đỏ sẽ tiến đến gần Trái Đất nhất và bề mặt của nó sẽ được Mặt Trời chiếu sáng tối đa. Sao Hỏa sẽ sáng hơn bất kỳ thời điểm nào trong năm và có thể thấy suốt cả đêm dài.

Ngày 17 tháng 10 – Trăng mới

Nhìn từ Trái Đất, chúng ta sẽ không thể thấy được Mặt Trăng bởi nó sẽ nằm cùng phía Mặt Trời. Pha này diễn ra vào 02h32.

Ngày 21, 22 tháng 10 – Mưa sao băng Orionids

Orionids là một mưa sao băng cỡ trung bình với khoảng 20 vệt sao băng mỗi giờ ở thời điểm cực đại. Người ta cho rằng trận mưa này là hệ quả của các hạt bụi còn sót lại từ một sao chổi đã được biết đến từ thời cổ đại: sao chổi Halley. Hàng năm, trận mưa sao băng này sẽ diễn ra từ ngày 2.10 đến 7.11.

Mưa sao băng Orionids trên bầu trời Nội Mông, Trung Quốc. Tác giả: Yin Hao.

Ngày 31 tháng 10 – Trăng tròn, Trăng Xanh

Mặt Trăng sẽ nằm ở vị trí đối diện Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất, mặt hướng về phía Trái Đất của nó sẽ được Mặt Trời chiếu sáng toàn bộ. Pha này diễn ra vào lúc 21:51.

Đây là lần trăng tròn thứ hai trong tháng cùng một tháng và thường được gọi là “trăng xanh”. Trăng xanh chỉ là tên gọi cho một kỳ trăng tròn đặc biệt, không phải chỉ sự thay đổi màu sắc của Mặt Trăng.

Ngày 31 tháng 10 – Sao Thiên Vương ở vị trí xung đối

Hành tinh xanh này sẽ ở gần Trái đất nhất và bề mặt của nó sẽ được Mặt trời chiếu sáng tối đa. Hành tinh này sẽ sáng hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong năm và sẽ được nhìn thấy trong suốt đêm dài.

Đây chính là thời điểm tốt nhất để quan sát Sao Thiên Vương. Do khoảng cách xa xôi, nó sẽ trông chỉ như một chấm nhỏ màu xanh kể cả khi quan sát bằng các kính thiên văn mạnh nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn