MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nước thải công nghiệp từ các DN trong các khu công nghiệp xả thải ra kênh Ba Bò, quận Thủ Đức , TP HCM. Ảnh: C.H

Tăng phí bảo vệ môi trường, tại sao không?

Đông Anh LDO | 27/03/2018 14:56
Gần đây, UBND TP.HCM vừa hoàn tất một dự thảo “Đề án tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn TP.HCM”. Ngay từ lúc trình làng ngày 1.3 vừa qua, dự thảo trên đã phát sinh nhiều ý kiến trái chiều nhau về dự thảo tăng mức thu phí này…

Từ 8 tỷ đồng/năm lên 60 tỷ đồng/năm

Điểm sáng nhất của dự thảo này, khi áp dụng, thì tổng giá trị mức thu phí môi trường đối với nước thải công nghiệp sẽ giúp TP.HCM tăng từ 8 tỷ đồng/năm lên con số… là 60 tỷ đồng/năm. Theo quy định hiện hành, các đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải gồm 16 nhóm cơ sở như: chế biến nông lâm thủy sản; thực phẩm; thuộc da; bột giấy; cau su; cơ khí; luyện kim; nhà máy cấp nước sạch; cơ sở sản xuất khác…

Hiện tại, có 2786 cơ sở phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trên địa bàn TP với tổng lưu lượng khoảng 143.431m3/ngày đêm, với tổng mức thu 8 tỉ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, ở  một số lĩnh vực, ngành nghề hoạt động trên địa bàn TP có lưu lượng phát sinh nước thải lớn, có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhưng không thuộc đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Đó là các cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám chữa bệnh.v.v… Tổng số lượng các cơ sở này hiện lên đến 523 đơn vị, với tổng lưu lượng xả thải khoảng 22,262m3/ ngày đêm. Các đơn vị xử lý chất thải rắn có lưu lượng phát sinh nước thải 7.883 m3/ngày đêm cũng trong tình trạng tương tự. Dự thảo đề án này đã đề xuất đưa luôn các đối tượng cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám đa khoa… vào diện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải…

Nhận xét về thực trạng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp hiện nay, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng có nhiều bất cập. Cụ thể theo quy định, cơ sở phát sinh lượng nước thải từ 20m3/ngày đêm trở lên phải đóng mức phí cố định là 1,5 triệu đồng/năm, cộng với chi phí biến đổi (từ 2.000 đồng đến 20 triệu đồng/kg - dựa vào tổng lượng nước thải, hàm lượng thông số ô nhiễm…). Trong khi đó, đối với cơ sở sản xuất, chế biến có mức thải dưới 20m3/ngày đêm, chỉ phải đóng mức phí cố định 1,5 triệu đồng. Mức thu phí này chưa tương ứng với lưu lượng thải, chưa đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí. Đơn vị xả thải 5m3/ngày đêm, có mức đóng cũng bằng với đơn vị xả thải 15m3/ngày đêm  hoặc 19m3/ngày đêm,  với các chất ô nhiễm có thể nhiều hơn.v.v...

Ông Trần Nguyên Hiền - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho rằng: “Với mức thu phí đang phát sinh nhiều bất cập, không phù hợp với tình hình mới sẽ không thể đáp ứng yêu cầu tái đầu tư cải tạo chất lượng môi trường - vốn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng”.

Dự thảo đề án mới đã khắc phục các nhược điểm trên. Theo đó, mức thu phí được đề xuất tính theo cách: đối với cơ sở có lưu lượng xả dưới 5m3/ngày đêm, vẫn áp dụng tính mức cố định là 1,5 triệu đồng. Đối với cơ sở có tổng lưu lượng nước thải từ 5m3/ngày đêm trở lên thì ngoài mức phí cố định 1,5 triệu đồng/năm, còn được tính thêm theo lưu lượng xả thải cũng như tính chất ô nhiễm của nước. Theo tính toán, sau khi bổ sung, có tổng cộng 3.300 cơ sở phải đóng phí; lượng nước thải của các cơ sở thải ra khoảng 173.000 m3/ngày đêm. Việc tăng mức thu và đối tượng thu giúp TP tăng nguồn thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp từ 8 tỉ đồng mỗi năm lên 60 tỉ đồng, trong đó dự kiến 25% được trích lại cho cơ quan thu phí. 

Cơ quan chức năng kiểm tra hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Ảnh: C.H

Có tác động xã hội, nhưng nhận thức bảo vệ môi trường sẽ tiến triển

UBND TP.HCM cho rằng việc tăng mức thu phí như đề xuất, sẽ tác động một phần đến đời sống xã hội, có thể làm gia tăng mức phí các dịch vụ liên quan đến y tế, xử lý rác (do đối tượng phát sinh phải đóng phí), từ đó tác động đến người dân. Tuy nhiên, mặt được là sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức về bảo vệ môi trường, khuyến khích tiết kiệm nước, đầu tư hệ thống xử lý nước thải giảm thiểu ô nhiễm thải ra môi trường và tạo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí.

Song, với không ít doanh nghiệp (DN), khi tham  gia góp ý kiến cho dự thảo đề án tăng phí môi trường đã cho rằng: Việc tăng phí sẽ tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất của DN, do phí xả thải tăng cao. Có DN góp ý, không nên tăng phí, mà nên khuyến khích DN sử dụng công nghệ tiết kiệm nước. Nếu tính theo hệ số K thì DN  đóng thêm gần 1,6 tỷ mỗi năm, gấp 150 lần hiện nay là rất cao.

Ông Trần Thanh Hồng - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Khu chế xuất  Tân Thuận, cho rằng:  “Cơ sở khoa học để đề xuất tăng thu phí bảo vệ môi trường, mở rộng đối tượng thu phí, mục đích thu, đối tượng nào bị xác định đang gây ô nhiễm, hàm lượng ô nhiễm trong nước thải, chưa xác định rõ. Tại KCX Tân Thuận, trung bình mỗi năm nộp 600 triệu đồng phí nước thải công nghiệp. Thế nhưng, với cách tính phí mới như dự thảo đề xuất thì công ty phải tăng mức đóng lên gấp 7 lần - quá sức chịu đựng của DN”.

Ông Tống Hữu Châu - thành viên Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật và môi trường TP.HCM - cho rằng: “Cách tính hệ số K như vậy là chưa công bằng, chưa khác biệt giữa các đối tượng. Hệ số K giữa các đối tượng, cần có sự chênh lệch cả chục lần do có những cơ sở đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chi phí vận hành hàng chục, trăm tỷ mỗi năm”.

Đại diện KCX Linh Trung cho biết thêm, trong công thức tính phí hiện tại có thêm hệ số lưu lượng nước thải thì khi DN xả thải càng nhiều, càng phải trả mức phí cao, bất chấp DN đó đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định. Ngoài ra, mức phí cố định hiện đang được tính cao hơn nhiều lần phí biến đổi là không hợp lý. Ông Vũ Văn Huy, Công ty cổ phần Kỹ nghệ súc sản Vissan, cho rằng cách tính trên của dự thảo chưa khuyến khích DN cải thiện công nghệ xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thậm chí gây sự bất công giữa cơ sở chưa có hệ thống xử lý nước thải với những cơ sở đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng xử lý chưa đạt. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT, cho biết cách thức thu phí hiện nay dựa trên cơ sở đối tượng đóng phí tự kê khai mức phát thải. Sở và quận - huyện có kiểm tra xác suất hàng năm để định lượng lại mức phí thu. Tuy nhiên, cách làm này không đạt được hiệu quả tốt do có nhiều đối tượng đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng việc vận hành không thường xuyên, không đúng quy định. Do vậy, việc điều chỉnh cách thu và mức thu là rất cần thiết trong bối cảnh mới hiện nay. Trên tinh thần góp ý của các DN và các nhà khoa học, sở sẽ bổ sung hoàn thiện thêm mục tiêu, sự cần thiết, số liệu hiện trạng thu phí, cách thức thu, lộ trình thu đối với nước thải công nghiệp. Sở cũng sẽ bổ sung vấn đề chế tài với những DN chưa thực hiện tốt việc nộp phí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn