MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân phải tự đào hố trữ nước riêng cho cây cà phê. Ảnh: Lê Nguyên

Thiếu nước trầm trọng, 180ha cà phê nhiều nơi chết khô

Lê Nguyên LDO | 05/04/2024 09:17

Hồ C3 được xem là nguồn cung cấp nước chính cho gần 180ha cà phê tại khu vực xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà, TP Kon Tum). Tuy nhiên, giờ đây lòng hồ đã cạn nước khiến cho nhiều bà con vô cùng lo lắng về một vụ mùa thất thu.

Những vườn cà phê còi cọc, chết khô

Bước đến thủ phủ cà phê của huyện Đăk Hà, đập vào mắt chúng tôi là những vườn cà phê đã chuyển vàng dù mới vào giai đoạn đầu mùa khô. Bà Nguyễn Thị Tư (trú tại xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) đang ủ rũ nhìn 200 cây cà phê hơn 2 năm tuổi đang trong tình trạng đói khát. Vì không có nước tưới thường xuyên, 100 cây cà phê gần đó của bà Tư đã bị chết khô.

Bà Tư nhìn vào đám là cà phê vàng úa thở dài: “Hơn 37 năm trồng cà phê, chưa năm nào tôi phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng như vậy. Mỗi năm đến giai đoạn mùa khô, đập thủy điện Plei Krông sẽ tiến hành xả nước vào hồ chứa C3 để bà con lấy nước tưới tiêu. Nhưng năm nay lòng hồ đã trơ cạn nước vào đúng thời điểm nắng nóng kéo dài”.

Đối với những cây cà phê hơn 2 năm tuổi, thông thường bà con sẽ tưới khoảng 3-4 lần trong 1 tháng. Nhưng với tình trạng thiếu nước trầm trọng, bà con chỉ tưới được khoảng 2 lần/tháng, điều này khiến cho hàng loạt diện tích cà phê úa vàng, còi cọc, nhiều nơi đã chết khô không thể cứu chữa.

Hồ C3 với diện tích lưu vực là 1,9km2 và là nguồn cung cấp nước cho gần 180ha cà phê giờ đây đã trơ đáy. Xung quanh hồ là hàng chục máy bơm đang để không, đường ống nước chất đống nhìn như một đại công trường đang bỏ hoang.

Người dân phải tự cứu lấy mình

Cách đó không xa là khu vườn hơn 1ha của anh Đinh Văn Nam nhận giao khoán từ Công ty Cà phê Đăk Uy. Vì sợ không đủ chỉ tiêu sản lượng cho năm nay, anh và hai hộ khác đã bỏ ra hơn 13 triệu đồng để tự thuê máy xúc, đào hố nước tưới riêng biệt. Tuy nhiên, trước cảnh hạn hán đang đỉnh điểm, điều này không thể giúp anh bớt đi nỗi lo về tình trạng vườn cà phê đang chết mòn.

“Nhìn thấy tình trạng hồ C3 không còn khả năng cung cấp nước, nên tôi và một vài hộ đã phải bỏ tiền túi để tự cứu lấy vườn cà phê của mình. Nhưng lượng nước này vẫn không đủ để tưới tiêu, nên tôi phải tiến hành đào gốc sâu và trữ nước cho hơn 1.100 cây đang thầu khoán của công ty. Mặc dù tình trạng hạn hán năm nay nghiêm trọng, nhưng vẫn phải cam kết đủ chỉ tiêu gần 5 tấn cà phê với công ty trước đó”, anh Nam nói.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự là vườn cà phê của ông Nguyễn Viết Làm (trú tại xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà).

Ông Làm chia sẻ: “Hồ chứa nước có dấu hiệu cạn nước gần 1 tháng nay, bây giờ múc lên chỉ toàn nước bùn, nước phèn. Phần lớn cây ở khu vực này đều đã vàng lá, còi cọc, không thể đạt được năng suất như các năm trước. Người dân có thể chịu làm việc dưới thời tiết nắng nóng, nhưng cây cối thì không thể chịu được”.

Cũng theo ông Làm, nhiều hộ gia đình phải kéo những đường ống nước dài gần 2-3km để dẫn nước từ hồ chứa C3. Nhưng với những vườn cà phê ở trên đỉnh đồi thì rất khó để dẫn nước lên và phải chấp nhận nhìn những cây cà phê đang chết dần chết mòn vì thiếu nước.

Ông Trần Đức Trọng - Chủ tịch UBND xã Hà Mòn cho biết: “Toàn xã hiện tại có gần 3.000ha cây trồng, trong đó hơn 2.100ha cà phê và 182ha cao su. Tuy nhiên, năm nay tình hình hạn hán tại xã đang chuyển biến cực kỳ nguy hiểm. Tiểu biểu là hồ chứa C3 bị ảnh hưởng nhiều nhất, đến giờ phút này đã gần như cạn nước. Trước tình trạng hiện tại, xã đã thông báo với bà con về tình trạng hạn hán kéo dài và hướng dẫn cách tưới tiêu hợp lý. Đồng thời, UBND xã đã đề xuất việc nạo vét hồ C3 với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum không để tình trạng thiếu nước không lập lại vào các vụ mùa sau”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn