MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thời điểm tình trạng ô nhiễm không khí ở nước ta được cải thiện

AN AN LDO | 02/04/2023 19:00
Theo TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, thời điểm mùa hè, do điều kiện thời tiết gió mạnh, mưa nhiều giúp tình trạng ô nhiễm không khí phần nào được cải thiện. 

Thời tiết là điều kiện, không phải tác nhân

Hai ngày vừa qua, Hà Nội duy trì hình thái thời tiết sương mù bao phủ từ sáng đến đêm muộn, mưa phùn rải rác, độ ẩm không khí tăng cao.

Theo dõi hơn 80 trạm đo chất lượng không khí theo thời gian thực của Mạng lưới PAM Air vào đêm qua 1.4, ghi nhận chất lượng không khí chủ yếu ở màu đỏ (ngưỡng xấu). Một số trạm ghi nhận màu tím (rất xấu và có hại cho sức khỏe), cá biệt có điểm đo duy trì ở ngưỡng nâu (ngưỡng ô nhiễm nghiêm trọng nhất, nguy hiểm nhất). 

Thực tế những ngày mù sương, nồm ẩm chất lượng không khí thường ở mức kém, xấu hoặc nguy hại. TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam đã lý giải xung quanh vấn đề này. 

Tham khảo chỉ số AQI trên ứng dụng PAM Air đêm qua 1.4. Ảnh: PAM Air. 

Thưa TS Hoàng Dương Tùng, dựa theo kinh nghiệm nhiều năm theo dõi chất lượng không khí, theo ông thời điểm tháng 4 có còn nhiều ngày ô nhiễm không khí do điều kiện thời tiết hay không? 

- Vào giai đoạn tháng 4 vẫn còn hoạt động của không khí lạnh, có những ngày rét gián đoạn. Qua theo dõi những tháng này nhiều năm qua, tôi thấy rằng khả năng ô nhiễm không khí vẫn rất cao vì chúng ta chưa có biện pháp kiểm soát nguồn thải, cộng thêm điều kiện khí hậu, thời tiết.

TS Hoàng Dương Tùng cho rằng song song việc bảo vệ bản thân, cần chung tay đẩy lùi ô nhiễm không khí. 

Người dân rất quan tâm thường thời điểm nào trong năm chất lượng không khí được cải thiện thưa ông?

- Qua theo dõi nhiều năm, chúng ta có thể thấy mùa hè khoảng tháng 5 đến tháng 9, mức độ ô nhiễm không khí giảm đi rõ rệt do điều kiện thời tiết, không phải do hoạt động của con người giảm.

Nguyên nhân là do thời tiết trong những tháng hè thường có gió mạnh, mưa nhiều, hoạt động của bão làm khuyếch tán, trôi chất bẩn trong không khí. Ngược lại, mùa đông không khí ẩm thấp gió lặng, nguồn thải ra không khí không khuyếch tán được, lưu cữu ở tầng thấp nên ô nhiễm không khí nặng hơn. 

Ô nhiễm không khí tác động đến mọi mặt đời sống

Thưa chuyên gia, vậy nếu  ô nhiễm không khí kéo dài sẽ gây ra những tác động như thế nào, đặc biệt là về mặt sức khoẻ? 

- Ô nhiễm không khí gây ra nhiều tác động đến kinh tế - xã hội. Điển hình như gần đây, nhiều chuyến bay ở Điện Biên đã bị hoãn, huỷ chuyến do hiện tượng mù khô. Hiện tượng này sinh ra với nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động đốt rơm rạ.

Ngoài ra, khoa học đã chứng tỏ chỉ số AQI, nồng độ bụi mịn PM 2.5 rất cao trong không khí đi vào phổi vào máu gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ. Tổ chức Y tế thế giới cho biết ô nhiễm không khí là tác nhân thứ 4 gây tử vong sớm ở con người. Vì vậy khi chỉ số AQI màu đỏ, nâu trong thời gian dài ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người, đặc biệt là trẻ em và người già, đối tượng nhạy cảm có bệnh nền. Tác động của ô nhiễm không khí là cả trước mắt và lâu dài. 

  Bảng quy đổi giá trị AQI. Ảnh: Cổng thông tin quan trắc môi trường

Vậy ông có thể đưa ra khuyến cáo những biện pháp để người dân tự bảo vệ sức khoẻ trong những ngày ô nhiễm không khí? 

- Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng đã có khuyến cáo để người dân tăng cường hiểu biết về tác hại của ô nhiễm không khí với sức khoẻ, thường xuyên tra cứu chỉ số chất lượng không khí ở khu vực mình làm việc, sinh sống.

Nếu chỉ số ở mức quá cao thì có thể tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế đi ra ngoài. Khi ở trong nhà, nếu có điều kiện hãy bật máy lọc không khí, nhất là gia đình có trẻ em, người già.

Song song với đó ngoài việc tự bảo vệ mình thì cũng nuôi dưỡng ý thức không gây ô nhiễm; góp phần giảm thiểu ô nhiễm.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn