MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đoàn viên Nghiệp đoàn xích lô, xe thồ TP.Huế nhặt rác hưởng ứng phong trào “Ngày chủ nhật xanh”. Ảnh: P.Đ

Thừa Thiên - Huế: Từ 1.7, phạt “nguội” người xả rác, tiểu bậy

Phúc Đạt LDO | 29/06/2019 07:03

Những tháng qua, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai các phong trào như “Ngày chủ nhật xanh”, “Nói không với túi nylon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”… với mong muốn mang lại một môi trường “xanh - sạch - sáng”. Ngày 24.6, UBND tỉnh đã ban hành văn bản quy định phạt những người xả xác, người đi vệ sinh không đúng nơi quy định… Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về vấn đề này.

Thưa ông, như chúng ta đã biết, Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (ĐTTM) của Thừa Thiên - Huế vừa đoạt giải “Dự án Thành phố thông minh sáng tạo nhất Châu Á” tại Telecom Asia Awards 2019. Vậy, xin ông hãy cho biết ĐTTM có vai trò gì trong việc xử phạt người xả rác, đi vệ sinh không đúng nơi quy định?

- Trước đây, việc xử phạt người xả rác nói riêng hay giải quyết các vấn đề xã hội khác phải thông qua bằng đường văn bản, mất thời gian mà hiệu quả xử lý không cao. Nhưng hiện nay, các vấn đề trên đều được giải quyết qua Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (ĐTTM). Tất cả mọi tầng lớp nhân dân khi có những vấn đề vướng mắc, những bức xúc muốn giải quyết đều có thể phản ánh, tương tác trực tiếp với trung tâm này. Đây là nơi tiếp nhận tất cả các vấn đề của xã hội, cũng là nơi chuyển tải các vấn đề đó đến các cơ quan có trách nhiệm để giải quyết. Hình ảnh từ hệ thống camera giám sát của ĐTTM, cũng như hình ảnh mà công dân gửi về trung tâm sẽ là bằng chứng thuyết phục để xử phạt.

Xin ông cho biết, UBND tỉnh dựa vào căn cứ pháp lý nào để tiến hành xử phạt những trường hợp vi phạm?

- Về vấn đề phạt người xả rác, người đi vệ sinh không đúng nơi quy định UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế không tự ra quy định xử phạt mà căn cứ Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Trong trường hợp này, UBND tỉnh chỉ thống nhất một số cách hiểu, cách xử lý để áp dụng Nghị định cho phù hợp. Như trước đây, việc rải vàng mã không đúng nơi quy định chỉ được áp dụng xử phạt theo hướng vi phạm về lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, UBND tỉnh xác định rải vàng mã không đúng nơi quy định sẽ được xử phạt dựa trên Nghị định 155/2016/NĐ-CP đó là hành vi xả rác nơi công cộng. Ngoài ra, chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm bị xử phạt.

Hoặc như rác thải xây dựng lâu nay không được xem là một loại rác thải sinh hoạt và đang áp dụng về lĩnh vực quản lý đường bộ để xử lý. Nên xảy ra tình trạng nếu loại rác thải này không nằm trên phạm vi đường bộ và các lộ giới đường bộ thì không xử lý được. Nhưng ở đây, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ coi đó là một loại rác thải và căn cứ xử phạt sẽ như rác thải sinh hoạt.

Quá trình tiến hành xử phạt qua ĐTTM và ai sẽ là người thực hiện?

- Sẽ có hai cách thức xử phạt. Một là quy trình truyền thống, xử phạt hành chính dựa theo quy định, hướng dẫn của các Nghị định. Các lực lượng chức năng từ cấp phường, xã, các cán bộ quản lý môi trường, cảnh sát môi trường… đều có chức năng kiểm tra, xử phạt.

Thứ hai, đối với các trường hợp xử phạt qua hình ảnh từ camera của Trung tâm giám sát, điều hành ĐTTM hay hình ảnh do người dân cung cấp. Trung tâm giám sát, điều hành ĐTTM sẽ tiến xác minh chính xác. Sau đó giao trực tiếp cho các đơn vị công an cấp huyện là người chủ trì tiếp nhận thông tin, phối hợp với cấp phường, xã để làm việc, lập biên bản xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm, sau đó báo cáo kết quả lại cho Trung tâm giám sát, điều hành ĐTTM.

Toàn bộ quy trình xử lý diễn ra trong vòng 20 ngày. Trường hợp sau 20 ngày vẫn không giải quyết được thì sẽ chuyển hồ sơ lên cấp tỉnh để đấu tranh xử phạt những trường hợp không chấp hành.

Thừa Thiên-Huế đã, đang và sẽ làm gì để mô hình trên hoạt động có hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường thực sự trở nên xanh - sạch - sáng?

- Từ lúc ban hành văn bản hướng dẫn xử lý vi phạm (ngày 24.6), UBND tỉnh đã giao có các đơn vị liên quan để có biện pháp tuyên truyền trong vòng một đến hai tháng tiếp theo trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng, kể cả gửi tóm tắt nội dung văn bản đến từng hộ dân. Để mô hình thành công, hiệu quả thì việc tiến hành xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm sẽ song hành cùng với việc tuyên truyền sâu rộng.

Các cơ quan, đơn vị, các cán bộ, đoàn viên sẽ là người đi đầu, làm gương trong việc bảo vệ môi trường. Nhưng hơn cả là sự ủng hộ, sự thay đổi ý thức của chính người dân. Để xây dựng một Thừa Thiên - Huế thực sự xanh - sạch - sáng, UBND tỉnh xác định không làm kiểu hô hào, khẩu hiệu mà là cả một quá trình lâu dài kết hợp với sự cố gắng, quyết tâm của cả hệ thống chính quyền.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn