MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thực hư thông tin không khí Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới

Nguyễn Hà LDO | 27/09/2019 11:17

Đại diện Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội cũng như các chuyên gia cho rằng, không có chuyện Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Số liệu của Air Visual, hệ thống quan trắc không khí tự động tại 10.000 thành phố trên thế giới sáng 26.9, ghi nhận Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số chất lượng không khí AQI ở ngưỡng 170. 

Hà Nội bác thông tin

Đại diện Chi cục bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho rằng, tổ chức Air Visual lấy dữ liệu từ trạm quan trắc đặt tại Đại sứ quán Mỹ (Trạm quan trắc này quan trắc duy nhất chỉ tiêu PM2.5, nằm trên trục giao thông chính, gần ngã 4 Láng Hạ - Đê La Thành và xung quanh đang có các công trình xây dựng với quy mô lớn). Vì vậy, không thể đại diện cho toàn địa bàn Thành phố Hà Nội, chỉ mang tính đại diện cho duy nhất 1 địa điểm quan trắc.

Tình hình ô nhiễm khiến người dân lo ngại. 

Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết thêm, trong những ngày vừa qua, đêm và ngày không có mưa, lặng gió (tốc độ gió thấp từ 0.1-2 m/s), hướng gió không cụ thể (quẩn gió), ban ngày trời  nắng, nền nhiệt tăng cao về đêm trời dịu mát nhiệt độ giảm mạnh, sáng sớm luôn xuất hiện 1 lớp sương mù thấp bao phủ toàn Thành phố.

Trong khi đó, các loại khí thải và khói bụi vẫn liên tục thải ra môi trường hàng ngày. Mặt khác, rõ ràng tốc độ gió thấp cũng dẫn đến sự phân tán ô nhiễm không khí kém, sự đối lưu không khí giữa các tầng giảm. Do đó, không khí không thể thoát lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại lớp không khí sát mặt đất, làm tăng nồng độ bụi. 

Chuyên gia nói gì?

Trao đổi với Lao Động, GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khẳng định Hà Nội không phải là thành phố ô nhiễm nhất thế giới vì nguồn thải không có gì đặc biệt so với các nước. Bên cạnh đó, căn cứ vào số liệu quan trắc chất lượng không khí của các Trạm quan trắc không khí tự động của Tổng cục Môi trường đặt tại Hà Nội và các Trạm quan trắc không khí tự động của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thì không ở mức nghiêm trọng. 

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng phân tích về tình hình ô nhiễm của Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hà 

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng nói thêm, trạm quan trắc không khí tự động đặt tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội lấy số liệu ở một thời điểm tức thời, không thể lấy số liệu đó để so sánh, đánh giá được. "Chỉ số đột xuất không đánh giá được môi trường ở thành phố đó" - GS Đăng nói.

Theo GS Đăng, để đánh giá chất lượng không khí của Hà Nội cần phải dựa trên kết quả đo kiểm tại nhiều điểm khác nhau và các thời điểm khác nhau trong ngày. Nếu chỉ có thông tin quan trắc đo một vài điểm thì chưa đủ căn cứ để đánh giá chất lượng môi trường không khí trên địa bàn thành phố.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn