MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo lãnh đạo Công ty JVE, có sự hiểu nhầm từ “kè đáy”. Ảnh: PV.

Thực hư việc “kè đáy”, cống hóa sông Tô Lịch ở dự án cải tạo của JVE

Hà Phương LDO | 23/09/2020 10:53

Lãnh đạo Công ty JVE khẳng định: "Việc “kè đáy” được JVE đưa ra khi nói về việc xây dựng hành lang dọc sông, kè bờ, không kè đáy lòng sông Tô Lịch mà để tự nhiên".

Không kè đáy lòng sông

Ngay sau khi Công ty JVE gửi công văn báo cáo tới lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội về việc đề xuất “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử-Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” nhiều ý kiến cho rằng, không nên kè đáy dòng sông, vì như thế sông Tô Lịch sẽ giống như một mương thoát nước.

Lãnh đạo Công ty JVE khẳng định: "Ý kiến này hiểu nhầm từ “kè đáy” trong dự án của chúng tôi. Việc “kè đáy” được JVE đưa ra khi nói về việc xây dựng hành lang dọc sông, kè bờ (kè thẳng đứng, bỏ phần mái cỏ hiện nay sau đó kè đáy khu vực sát hai bên bờ sông tạo hành lang đi dạo), không kè đáy lòng sông mà để tự nhiên). Tức là việc kè đáy ở đây là kè khu sát hai bên bờ sông chứ không phải kè đáy toàn bộ lòng sông".

Bởi nguyên lý của xử lý môi trường của Công nghệ Bio-Nano của Nhật Bản là kích hoạt các vi sinh vật có lợi phát triển nên dự án sẽ giữ nguyên diện tích lòng sông mà không kè đáy lòng sông. Ngoài ra, dự án cũng có phương châm giữ nguyên chiều rộng lòng sông, không thu hẹp lòng sông mà để tự nhiên, đại diện Công ty JVE giải thích thêm.

Một đoạn sông Tô Lịch nhìn từ trên cao. Ảnh: Tạ Quang

Đội ngũ chuyên gia liên ngành tham vấn

Đối với vấn đề Công viên này đòi hỏi sự tham gia của các chuyên gia liên ngành để tránh sai sót không đáng có, JVE cho hay: "Sau khi được Thành phố phê duyệt Chủ trương cho phép thực hiện Đề án Nghiên cứu và xây dựng quy hoạch “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” chúng tôi sẽ mời các cơ quan ban ngành có liên quan của Việt Nam như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội...

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tham khảo những ý kiến của các giáo sư, nhà khoa học, nhà sử học có liên quan và cả hội Kiến trúc sư, nhà nghiên cứu về Di sản, khảo cổ để tham vấn xin ý kiến đúng về các kiến trúc, di sản của thời kỳ lịch sử...".

Ngoài ra, dự án sẽ xin ý kiến tham vấn của các cơ quan, tổ chức liên quan đến vấn đề môi trường, thoát nước, thoát lũ chống ngập; các vấn đề thủ tục.

Ngày 16.5.2019, Dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản” đã được khởi động. Sau khi triển khai dự án, kết quả bước đầu được các chuyên gia đánh giá khả quan.

Tuy nhiên, vào ngày 9.7.2019, thực hiện chủ trương của UBND thành phố Hà Nội về công tác phục vụ thoát nước mùa mưa theo quy định, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã mở cửa xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch do mực nước của hồ Tây đang cao hơn quy định khoảng 25cm. Việc tiếp nhận nước từ hồ Tây khiến hệ toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi trong vòng gần 2 tháng qua đã trong chốc lát bị cuốn trôi. Để kết quả thí điểm được đảm bảo khách quan, Công ty Cổ phần đầu tư môi trường Nhật Việt (JVE) và đoàn chuyên gia Nhật Bản sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm xử lý kéo dài thêm 2 tháng.

Ngày 16.9.2019, lấy mẫu đánh giá nước sau 2 tháng JVE xin lùi đánh giá kết quả xử lý ô nhiễm nước. Đây cũng là ngày hơn 300 con cá Koi, cá chép Việt Nam, cá rô phi và cá mè được thả trực tiếp xuống sông Tô Lịch và một góc hồ Tây.

Đến ngày 16.9.2020 JVE đề xuất “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn