MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các cá thể hổ được gây mê và tiêm vaccine, kiểm tra sức khỏe. Ảnh: VQG Phong Nha - Kẻ Bàng

Tiêm vaccine, di dời 7 cá thể hổ tại Phong Nha - Kẻ Bàng về chuồng nuôi mới

LÊ PHI LONG LDO | 03/08/2023 16:32

QUẢNG BÌNH - Ngày 3.8 Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, vừa phối hợp với Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Nước Việt (FOUR PAWS Viet) và Tổ chức động vật Châu Á (AAF) kiểm tra sức khỏe, tiêm phòng vaccine và di dời 7 cá thể hổ về khu chuồng nuôi mới.

Trước đó, như báo Lao Động đã thông tin, 7 cá thể hổ đang được chăm sóc và nuôi dưỡng tại Khu cứu hộ động vật hoang dã thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là vật chứng của vụ án hình sự vận chuyển trái phép động vật hoang dã bị phát hiện tại Nghệ An hồi tháng 8.2021, được Vườn Quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An) bàn giao để cứu hộ vào ngày 22.3.2022, hiện 7 cá thể hổ trên đang đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Theo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng 7 cá thể trên, được sự nhất trí của UBND tỉnh Quảng Bình, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã triển khai xây dựng khu chuồng nuôi mới với quy mô lớn về diện tích và không gian.

Trước khi di dời 7 cá thể hổ trên về khu chuồng nuôi mới, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã phối hợp với các chuyên gia thuộc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Nước Việt (FOUR PAWS Viet) và Tổ chức động vật Châu Á (AAF) xây dựng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt và thành lập các nhóm chuyên môn đảm bảo an toàn trong việc di dời và kiểm tra sức khỏe, tiêm phòng vaccine cho 7 cá thể hổ trên.

Cụ thể, mỗi cá thể hổ được các chuyên gia tiếp cận để gây mê bằng ống thổi kim tiêm chuyên dụng, một đầu kim là thuốc mê, bên dưới nén hơi.

Các chuyên gia di chuyển các cá thể hổ về chuồng nuôi mới. Ảnh: VQG Phong Nha - Kẻ Bàng

Để gây mê được từng cá thể, các chuyên gia tiếp cận gần khu vực chuồng nuôi thông qua tấm chắn, sau đó dụ hổ mất tập trung và thổi tiêu có thuốc vào người hổ.

Sau khi cá thể hổ bị gây mê, các chuyên gia dùng cáng chuyên dụng để khiêng nhẹ nhàng hổ từ chuồng nuôi cũ lên phòng thú ý để tiến hành kiểm tra sức khỏe và tiêm phòng vaccine, chụp X-quang, siêu âm, lấy mẫu máu, nước tiểu và các mẫu khác để phân tích. Khi hoàn thành kiểm tra sức khoẻ, tiêm phòng vaccine, các cá thể hổ được vận chuyển vào khu chuồng nuôi mới để theo dõi sát sao quá trình hộ lý sau gây mê.

Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, đây là hoạt động nhằm đảm bảo phòng ngừa dịch bệnh cho hổ cũng như các điều kiện tốt nhất cho quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng hổ lâu dài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn